(BVPL) - Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì thế nó cần một cơ chế quản lý thật đặc biệt. Ngoài việc phải có một hành lang pháp lý tốt, nó còn cần đến những nỗ lực rất lớn từ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát giá từ khâu nhập khẩu đầu vào đến khâu giám sát việc cung ứng thuốc ra thị trường. Thực tế, Bộ Y tế đã nhiều lần tỏ rõ quyết tâm trong việc kiểm soát thị trường thuốc, nhưng với những gì đã và đang diễn ra thì dường như quyết tâm thôi là chưa đủ. Người dân đang mong chờ những thay đổi tích cực hơn từ thị trường thuốc.

Thuốc... mỗi nơi một giá

Lâu nay, giá thuốc đã trở thành gánh nặng đối với người bệnh, nhất là khi giá thuốc “leo thang,” “hỗn loạn,” mỗi nơi một giá, thậm chí còn có những tồn tại bất hợp lý mà người bệnh đang hàng ngày phải âm thầm chịu đựng. Giá thuốc cao đang đẩy những người dân nghèo không có bảo hiểm y tế vào cảnh khốn cùng nếu không may mắc phải bệnh tật.

Hiện chi phí cho thuốc đang chiếm 60% tổng chi phí khám, chữa bệnh của người dân. So sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ 60% là con số rất lớn. Để giảm chi phí thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh, đòi hỏi công tác quản lý phải hết sức chặt chẽ, trong đó các bệnh viện phải đi đầu trong công tác minh bạch đấu thầu thuốc vào bệnh viện, đảm bảo quy trình đấu thầu chặt chẽ, tránh trường hợp giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện có nơi còn cao hơn cả giá trên thị trường.

Tại các bệnh viện, quy định đấu thầu giá thuốc là nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch….Nhưng việc nguồn thuốc đa dạng, mỗi loại thuốc có một giá khác nhau, quy trình duyệt thầu lâu, phức tạp khiến các bệnh viện không dễ để mua được đúng giá và đủ số lượng thuốc dùng cho đến kỳ mở thầu mới.

Dược sỹ Phùng Quang Toàn - Khoa Dược Bệnh viện K cho biết: Quy trình là vậy nhưng trên thực tế, điểm mấu chốt để các bệnh viện có cơ sở chuẩn nhất trong việc lựa chọn nhà thầu là thông tin về giá thuốc gốc thì vẫn là câu hỏi lớn. Giá thuốc mà các nhà thầu chào thực tế là giá kê khai với Bộ Y tế, còn họ nhập vào với giá bao nhiêu thì không mấy ai được biết.  

Thời điểm hiện nay, khi được hỏi giá nhập khẩu đầu vào của các loại thuốc là bao nhiêu, các bệnh viện vẫn chưa thể trả lời được. Căn cứ duy nhất để có được giá chuẩn là các bệnh viện phải xem trên website của Bộ Y tế.

Giá này là giá doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm với Bộ. Chính điều này đã khiến bệnh viện bị thụ động trong việc chấm các gói thầu đưa thuốc vào bệnh viện. Tại nước ta, thuốc đi qua quá nhiều các công ty bán lẻ, trong khi đó nhiều nước đã quy định, thuốc chỉ được qua 2 hoặc 3 công ty. Bên cạnh đó, do không khống chế về tỷ lệ chi phí, thuốc đi qua nhiều vòng thì giá bị đẩy lên cao. Chính vì thế đã dẫn đến hiện tượng 1 giá thuốc đấu thầu vào một số bệnh viện còn cao hơn cả giá thị trường.

Đấu thầu thuốc minh bạch nhưng chưa... chặt chẽ

Những năm qua, kinh doanh thuốc của nước ta đang cố gắng vận hành theo cơ chế thị trường. Thông tư 01 của liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 19/1/2012 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế cũng đã chính thức hướng dẫn việc đấu thầu công khai các loại thuốc sử dụng trong BHYT với 3 hình thức: Thứ nhất: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao cho Giám đốc Sở Y tế thực hiện đấu thầu tập trung, căn cứ vào kết quả đấu thầu tập trung, kết quả trúng thầu, giá thuốc và danh mục thuốc thì các cơ sở chữa bệnh thuộc tỉnh đó căn cứ để ký vào các hợp đồng cung ứng thuốc; Thứ 2: UBND tỉnh, thành phố giao cho Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh thực hiện đấu thầu, sau đó lấy kết quả của bệnh viện đa khoa tỉnh đó, các cơ sở y tế khác ký hợp đồng với các nhà cung ứng với cơ sở là giá trúng thầu; Thứ 3: là hình thức đấu thầu riêng lẻ, tức là các cơ sở khám chữa bệnh được phép thành lập các hội đồng đấu thầu để đấu thầu thuốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, 3 hình thức đấu thầu tưởng chừng là minh bạch nhưng lại không mấy chặt chẽ. Chính sự không chặt chẽ này đang tạo điều kiện cho không ít những tiêu cực phát sinh trong quá trình đấu thầu, như tình trạng câu kết, thông đồng giữa chủ đầu tư ở đây là các bệnh viện và đại diện hội đồng đấu thầu, câu kết giữa bệnh viện và các công ty phân phối thuốc, rồi thành lập nhiều hội đồng đấu thầu khác nhau tạo lên mức giá thuốc ở các địa phương có sự chênh lệch lớn.

Với hình thức đấu thầu tập trung, công ty trúng thầu sẽ đảm nhận cung ứng số lượng thuốc rất lớn. Đến đây lại nảy sinh một nguy cơ khác là doanh nghiệp có thể sẽ phải thu gom thuốc từ những nguồn khác để đáp ứng cho đủ gói thầu tập trung. Như vậy, giá thuốc có thể lại bị đẩy lên vì phải qua một khâu nữa.

Tháng 3/2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm của Sở Y tế Gia Lai. Để “rút ruột” 67 tỷ đồng, Sở Y tế Gia Lai cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã câu kết đẩy giá thuốc lên cao, thao túng kết quả đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, làm “sân sau” cho doanh nghiệp trúng thầu trái quy định. Tháng 6/2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định cũng đã phát hiện giá thuốc trúng thầu tại tỉnh này cao bất thường. Nhiều loại thuốc có giá trúng thầu cao hơn 10% trở lên so với giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác. Rõ ràng, đang có rất nhiều kẽ hở để giá thuốc được đẩy lên cao, tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức trục lợi.

Đại diện Bảo hiểm Việt Nam cho rằng: Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận thấy, giá một số loại thuốc mà cơ quan BHXH phải thanh toán cho các BV đang cao hơn so với giá thị trường. Trong đó, hầu hết các loại thuốc ngoại với mức chênh lệch từ 5-7%, cá biệt có loại thuốc cao hơn thị trường đến 30%.

Khi mà nhiều người dân cho rằng, việc quản lý giá thuốc hiện nay còn nhiều bất cập và chưa theo kịp những biến động của thực tế, có chuyện làm giá để tư lợi từ thuốc, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) dường như vẫn lúng túng trong việc quản lý giá thuốc và tìm giải pháp quản lý giá thuốc.
 

Thu Minh