|
|
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều kiến nghị kiểm toán đã “treo” qua nhiều năm với số tiền đọng lại hàng nghìn tỉ đồng. (Ảnh minh họa) |
Nhiều kiến nghị kiểm toán bị “treo”, tồn đọng hàng nghìn tỉ đồng
“Báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Việc chấp hành kiến nghị kiểm toán chính là thể hiện tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật. Các kết luận, kiến nghị của KTNN được thực thi còn góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quốc gia; hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia…” - TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết.
Đặc biệt, kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng trở thành thông tin quan trọng, độc lập, phục vụ Quốc hội trong giám sát tối cao cũng như trong xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), quyết định dự toán NSNN; giúp HĐND các cấp thực hiện giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương…
Theo số liệu thống kê, rà soát của KTNN, phần lớn các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được các đơn vị nỗ lực, nghiêm túc thực hiện (bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán) và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo đối với số kiến nghị còn lại mỗi năm với tỉ lệ khoảng 15-20%. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện, đang được KTNN theo dõi, đôn đốc.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không được quan tâm, xử lý quyết liệt thì hàng nghìn tỉ đồng kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi, thu hồi nộp NSNN sẽ không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, tình hình thực hiện các kiến nghị kiểm toán thời gian gần đây có nhiều tiến bộ, chuyển biến tích cực với tỷ lệ thực hiện ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều các kiến nghị kiểm toán không được thực hiện. Có những kiến nghị đã gần 10 năm, thậm chí hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn “treo” không được thực hiện.
Điển hình như tại Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2021 với niên độ NSNN năm 2020), tính đến ngày 31/3/2023, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện kiến nghị xử lý tài chính hơn 109 tỉ đồng. Tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2018, niên độ NSNN 2017), số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng chưa được Công ty Cổ phần BOT Phả Lại thực hiện đến ngày 31/3/2023 là hơn 106,7 tỉ đồng...
Hay tại TP. Hà Nội, qua công tác rà soát và phối hợp với KTNN trong việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, số kiến nghị tồn đọng chưa thực hiện trên địa bàn Thành phố còn lớn. Tính đến ngày 31/7/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện là hơn 9.326 tỉ đồng.
Đặc biệt, nhiều kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng số tiền lớn do vướng mắc về cơ chế, chính sách với tổng số tiền hơn 1.220 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là kiến nghị tại báo cáo kiểm toán Dự án khu đô thị mới Dương Nội đối với Tập đoàn Nam Cường và UBND quận Hà Đông trong việc thực hiện kiến nghị khác liên quan tới việc giao đất dịch vụ (525.658 triệu đồng); kiến nghị chưa thực hiện do nhà thầu không hợp tác, hoặc có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu (12 kiến nghị) với số tiền hơn 1.731 tỉ đồng...
Hệ lụy từ không thực hiện kiến nghị kiểm toán
Bên cạnh tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách; kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cũng còn rất khiêm tốn. Trong đó, nhiều văn bản được KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung có ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội, sử dụng NSNN song chưa được các đơn vị tập trung thực hiện.
|
|
Kiểm toán đã phát hiện ra vi phạm tại khu Liên hợp Thể thao Quốc gia. (Ảnh minh họa) |
Chẳng hạn, KTNN kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 43/2008/QĐ-BTC về Quy chế sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) TP. Hồ Chí Minh, trong đó quy định rõ: Cơ chế quản lý, sử dụng đối với khoản thu phí tiện ích công cộng tại các KCN, KCX; trách nhiệm quản lý và hình thức sở hữu đối với tài sản hình thành từ thu phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng, phí tiện ích công cộng tại các KCN, KCX... bảo đảm quản lý qua ngân sách, phù hợp với quy định của Luật NSNN. Kiến nghị trên được KTNN đưa ra từ năm 2018, qua kiểm toán việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm 31/3/2023, kiến nghị này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ cho biết, tính đến 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị, tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.
Thực tiễn hoạt động của KTNN cũng đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong xu thế đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước theo mô hình quản lý công mới, với mục tiêu đổi mới toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, tăng cường quản trị công hiệu quả, hiệu lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thích ứng với bối cảnh, điều kiện, tình hình mới.
Việc không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán còn để lại hậu quả với chính đơn vị được kiểm toán. Điển hình là vụ việc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - hiện đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý liên quan đến việc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong nhiều năm liền, có dấu hiệu gây thất thu NSNN và hàng loạt sai phạm khác...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc tồn tích số lượng lớn số kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực lớn, trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư, phát triển rất lớn.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các kiến nghị về cơ chế, chính sách từ niên độ kiểm toán năm 2019 trở về trước đến nay vẫn chưa được thực hiện chính là một trong những “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách không đúng quy định của Nhà nước và thực tiễn thì cần được làm rõ và có hướng xử lý phù hợp; bởi “nếu đã sai mà không thực hiện ngay thì sẽ tiếp tục sai trong những năm sau”.