Công văn do Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – Lê Trung Chinh ký yêu cầu các cơ sở ăn uống, giải khát dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh kể cả bán hàng qua mạng, bán mang về kể từ 13h ngày 30/7.

Các công trình xây dựng trên địa bàn phải có biện pháp tổ chức thi công đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m giữa người với người trong quá trình thực hiện.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện quán triệt đến toàn thể người dân các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Phòng, chống dịch COVID - 19 Trung ương và của UBND TP Đà Nẵng; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để phát hiện sớm các đối tượng nghi nhiễm, kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng và kịp thời cách ly, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID - 19 theo đúng quy trình, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

leftcenterrightdel
Đà Nẵng dừng bán hàng ăn uống kể cả bán mang về, bán qua mạng từ chiều nay 30/7  

Như vậy, hiện nay ở Đà Nẵng, chỉ có các cửa hàng tạp hóa, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, khu bán lương thực, thực phẩm của các chợ... là còn hoạt động kinh doanh để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân còn được mở bán.

Tại Thừa Thiên Huế, ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành Công điện khẩn yêu cầu, kể từ 0 giờ ngày 30/7, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết cho đến khi có thông báo mới.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người… UBND các huyện, thị xã và TP Huế, Giám đốc Sở Y tế, Công an tỉnh khẩn trương rà soát, truy vết, yêu cầu khai báo y tế tất cả các đối tượng đến từ những vùng có dịch từ sau ngày 10/7/2020

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khuyến cáo người dân tổ chức ma chay, tiệc cưới, tiệc mừng,..theo truyền thống gia đình, tránh tụ tập đông người; đồng thời, đề nghị các cơ sở tôn giáo không tổ chức các nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ tạm thời dừng tiếp nhận người và phương tiện đến từ vùng có dịch, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng, chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất…

Khánh Hòa dừng tổ chức Chương trình nghệ thuật Văn hóa Dân gian

Sáng ngày 30/7, sau cuộc họp họp với các sở, ngành liên quan, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định dừng tổ chức Chương trình nghệ thuật Văn hóa Dân gian, dự kiến sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 1/8 tại Nha Trang.

Chương trình nghệ thuật Văn hóa Dân gian lần đầu tiên được tỉnh Khánh Hòa tổ chức với chủ đề “Khánh Hòa – Những sắc màu văn hóa” nhằm tôn vinh, góp phần giới thiệu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của địa phương Khánh Hòa; đồng thời chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, tạo không khí sôi nổi, thu hút khách du lịch đến với tỉnh.

Quy mô chương trình 90 phút, khắc họa những nét đặc trưng văn hóa dân gian của tỉnh Khánh Hòa, gồm Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa, Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Lễ Bỏ mả của người Raglai, Nghệ thuật “Bài chòi” – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận…

Ngoài ra, còn có các chương trình nghệ thuật đường phố được tổ chức tại những sân khấu nhỏ dọc đường biển Trần Phú, thành phố Nha Trang, xuyên suốt hàng đêm từ ngày 20/7-1/8.

Xuân Nha- Văn Nguyễn