Việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

 


Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng trưởng nhưng nhập siêu vẫn trong xu hướng gia tăng do chênh lệch về tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường này khá lớn. Nhập siêu lớn trong thời gian dài cũng như cơ cấu nhập siêu bất lợi, tập trung vào thị trường Trung Quốc sẽ tác động bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặc dù có thể đạt được mức xuất siêu rất ấn tượng của năm 2014, nhưng Bộ Công thương nhận định, năm 2015 có khả năng nước ta sẽ quay trở lại với mức nhập siêu 6 - 8 tỷ USD.

Lo ngại về nhập siêu trong năm nay đã sớm được Bộ Công thương cảnh báo bởi nhiều lý do dẫn tới tình trạng này đó là: việc xuất siêu từ khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tăng trưởng chậm lại; xuất khẩu ở Việt Nam chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng để thâm nhập vào các thị trường; các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ tác động mạnh tới việc doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị…

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam đánh giá: “Nhập siêu từ Trung Quốc là vấn đề kéo dài từ mấy năm nay và ngày càng tăng lên, chủ yếu là nhập vật tư, thiết bị, máy móc… Việc này làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta, gây sức ép cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, làm cho sản xuất không phát triển được, đồng thời khả năng xuất khẩu hàng trong nước bị hạn chế. Đây là một nhập siêu không lành mạnh”.

Để cải thiện tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, ông Kiêm nói: “Chủ trương chung là Việt Nam phải cơ cấu lại nền kinh tế, định hướng lại hàng xuất khẩu, khai thác nhiều chất xám, xuất đi những hàng hóa, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thì mới khỏi bị lệ thuộc vào thị trường này. Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa để có thể chiếm lĩnh thị trường”.

 

Theo Người tiêu dùng

.