Tiêu thụ nội địa sản phẩm điều chỉ chiếm chưa tới 5% trong tổng sản lượng xuất khẩu điều của cả nước trung bình khoảng 200.000 tấn/năm.


Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas cho biết, các doanh nghiệp thành viên và Vinacas đang có kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm điều trong nước lên mức 10% vào năm 2020.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng nội địa thấp là do các doanh nghiệp vẫn chưa tập trung quảng bá sản phẩm”, ông Giang nói.

Đây là rào cản lớn nhất để người tiêu dùng biết đến sản phẩm điều, mặc dù giá trị dinh dưỡng của hạt điều khá tốt. Ngoài ra, một thách thức khác để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng là các doanh nghiệp phải giảm giá bán để sản phẩm hạt điều phổ thông với người tiêu dùng hơn.

Khác với việc xuất khẩu điều nhân không thương hiệu bao bì, sản phẩm điều hiện được bán chủ yếu ở các siêu thị với bao bì, nhãn mác nên giá bán khá cao so với khả năng người tiêu dùng có thu nhập trung bình.

Hiện giá xuất khẩu bình quân khoảng 7,5 đô la Mỹ/kg điều, trong khi giá bán ở các siêu thị cao hơn trung bình từ 10% đến 30% so với giá xuất khẩu. Vì vậy, đi đôi với việc tiết kiệm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa kênh phân phối để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.

Cũng theo ông Giang, Vinacas đang vận động thành lập Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho ngành điều, giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với những tiêu chuẩn kỹ thuật chăm sóc, chế biến các sản phẩm từ điều nhằm củng cố chất lượng điều xuất khẩu và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nội địa với giá hợp lý.

Vinacas cũng có kế hoạch quảng bá sản phẩm điều ở thị trường nội địa qua việc kết hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và Viện Dinh dưỡng Việt Nam để nghiên cứu và đưa ra công dụng của sản phẩm điều đối với người tiêu dùng
 

Theo B.Mai
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

.