(BVPL) - Theo quy định của Bộ Công Thương, mọi mặt hàng bán trên thị trường đều phải được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên trên thực tế, việc niêm yết ngoài những cửa hàng, shop thời trang, quán “vỉa hè” đều mang tính chất đối phó, tạm thời.
Chị Hoàng Thị Hưởng (nhân viên bán thuê tại chợ Xanh, Cầu Giấy) thì thầm: “Bọn tôi bán thuê được dặn khi nào thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra thì treo bảng giá, khi nào đoàn kiểm tra đi thì lại cất gọn vào trong hoặc treo ở chỗ kín mà khách hàng không nhìn thấy”.
Cô Nguyễn Thị Thuyên buôn bán hoa quả tại chợ đầu mối Long Biên cho hay: “Giá các mặt hàng lên xuống hàng ngày, thì chúng tôi cũng cần phải điều chỉnh theo. Đề giá để bán cũng được thôi nhưng như thế sẽ phải điều chỉnh thường xuyên rất mất công”.
Dạo quanh vài vòng các khu chợ lớn, chợ cóc, thậm chí shop di động “vỉa hè”, người mua có khi phải mỏi mắt cũng không nhìn thấy cái bảng giá. Hình ảnh quen thuộc thường thấy là hàng đống đồ được gắn đồng giá, khách hàng tha hồ lựa chọn, mặc cả trong khung giá có sẵn. Chính vì tâm lý tham rẻ, nên khách hàng vô tình đã tạo điều kiện cho tiểu thương có cơ hội “lách luật”.
Không chỉ ở các sạp hàng nhỏ lẻ mới chấp hành theo kiểu chống đối như vậy, các cửa hàng lớn cũng không chịu kém cạnh. Tại một cửa hàng túi, ví da trên phố hàng Đường, thấy nhiều sản phẩm không đề giá, chúng tôi thắc mắc thì bà chủ quát tháo: “hàng mới nhập về nên chưa niêm yết, mua cái nào thì chỉ, khắc có giá”.
Hầu hết các ý kiến của người bán đều cho rằng việc niêm yết giá làm mất thời gian của họ và gây khó khăn trong việc kinh doanh và họ đều lờ đi.
Có thể dễ dàng nhận thấy, đối với kiểu kinh doanh lập lờ giá này thì hình thức mua bán chủ yếu vẫn là người chủ thách giá - khách hàng mặc cả, nếu cả hai bên đồng ý thì bán.
Bạn Trần Ngọc Ánh (sv năm 4, Học viện Tài Chính, HN) chia sẻ: “Đi mua hàng là phải trả giá nhiệt tình, bởi vì họ không báo giá, toàn nói thách gấp 2 – 3 lần giá trị thực, chính vì thế, kinh nghiệm của tôi khi mua đồ là phải trả giá giảm đi một nửa, nếu không là bị hớ”.
Chính việc thờ ơ của khách hàng lại đem lại cho tiểu thương khoản lợi nhuận rất lớn, còn người tiêu dùng thì bị “móc hầu bao” một cách không hề hay biết.
Hầu hết người tiêu dùng Việt bỏ tiền ra mua thứ mình cần nhưng lại không biết giá trị thực của nó là bao nhiêu, không biết mua có bị đắt hay không. Thành thử khi đi mua đồ thì chỉ ước chừng, nếu cảm thấy hợp túi tiền thì chấp nhận mua.Việc các cửa hàng không niêm yết giá sản phẩm hay niêm yết giá khác nhau làm ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng.
Thúy Mùi