|
|
Lực lượng hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa) |
Đây là một trong những nội dung Chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ vừa được Tổng cục Hải quan ban hành nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại và bảo đảm công tác quản lý công chức, xây dựng lực lượng, bảo vệ chính trị nội bộ.
Xử lý vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấp hành các quy định trong thực thi công tác chuyên môn, nghiệp vụ; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng trang thiết bị, tài sản công và phối hợp công tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành.
Cụ thể: Thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, đoàn thể cùng cấp thường xuyên phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ để toàn thể công chức trong đơn vị hiểu, nắm rõ, qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao danh dự, lòng tự trọng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị cho phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cá thể hóa trách nhiệm; trong phân công và thực thi nhiệm vụ tại từng khâu của quy trình xử lý công việc phải được xác định rõ, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của từng tập thể, từng cá nhân…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, trong đó chú trọng các hình thức kiểm tra công vụ đột xuất, kiểm tra đối với những bộ phận, vị trí, địa bàn nhạy cảm để kịp thời nắm bắt, xử lý những thông tin, tình huống phát sinh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các biểu hiện vi phạm của công chức thuộc quyền khi thi hành công vụ.
Xử lý nghiêm khắc, quyết liệt theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với công chức vi phạm. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng công chức vi phạm ngay sau khi xảy ra vụ việc. Đối với đơn vị có nhiều vi phạm hoặc đã được cảnh báo, chấn chỉnh nhưng không chủ động khắc phục để xảy ra vi phạm hoặc xử lý vi phạm không kịp thời, không nghiêm minh thì được coi là tình tiết tăng nặng khi xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị.
Nghiêm cấm việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ
Về chấp hành các quy định trong thực thi công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu:
Bám sát Chương trình công tác trọng tâm hàng năm, triển khai đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao đảm bảo theo các yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, không để tình trạng quên việc, sót việc, chậm tiến độ, trì hoãn, kéo dài hoặc thực hiện nhưng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Ưu tiên giải quyết ngay các việc cấp bách; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, công việc nổi cộm, bức xúc, liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp, nhiều rủi ro...
Nghiêm cấm việc lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để tự ý điều chỉnh hoặc thực hiện không đúng quy định hiện hành, như: tùy tiện thực hiện hoặc không thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh; tự ý áp đặt việc chuyển luồng, tăng tỉ lệ kiểm tra thực tế; yêu cầu hoặc tự ý lấy mẫu hàng hóa sai quy định;… gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật; tuân thủ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, không lợi dụng quyền hạn, vị trí công tác để can thiệp trái quy định vào quy trình nghiệp vụ để vụ lợi hoặc có hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gợi ý nhận tiền, quà biếu trái quy định; nghiêm cấm các biểu hiện, hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa, nhận hối lộ dưới mọi hình thức. Không bố trí công chức hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, không nắm vững quy trình, thủ tục quy định vào các vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ...
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng trang thiết bị, tài sản công, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu:
Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản, trang thiết bị chuyên dùng phải chủ động bố trí các điều kiện bảo đảm, tổ chức đưa các phương tiện, máy móc, trang thiết bị vào khai thác, sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa công năng, hiệu quả đầu tư của các trang thiết bị, tài sản trong thực thi nhiệm vụ được giao, không để tình trạng trang thiết bị, tài sản được trang bị nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai quy định, sử dụng không hết công suất hoặc làm hư hỏng, thất thoát tài sản.
Nghiêm cấm sử dụng tài sản công, máy móc, trang thiết bị nghiệp vụ, chuyên dùng không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn gây lãng phí; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”...
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp trong thực thi nhiệm vụ đảm bảo linh hoạt, nhịp nhàng, thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, cản trở công việc lẫn nhau. Khi trả lời kiến nghị, đề xuất của đơn vị cơ sở, của tổ chức, cá nhân liên quan phải nêu rõ quan điểm, không trả lời chung chung và không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của của đơn vị mình lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan, đơn vị khác.
Rà soát và loại bỏ các thủ tục, quy trình xử lý công việc không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở cho sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận chuyên môn. Khuyến khích áp dụng các phương pháp làm việc mới, tiết kiệm thời gian, nhân lực thay thế các quy trình cũ không còn phù hợp…