Nghịch lý của nông sản Việt
Cập nhật lúc 23:51, Thứ ba, 21/02/2017 (GMT+7)
Theo Tổng cục Hải quan, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, năm nào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều có mức tăng trưởng ngoạn mục. Sự phát triển về ngoại thương hàng hóa của Việt Nam còn được khẳng định qua bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa qua các năm. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, mặc dù xuất khẩu các năm tăng ngoạn mục nhưng hàng hóa của Việt Nam khi đóng gói và dán nhãn mác thì lại mang danh của các doanh nghiệp nước ngoài. (thương hiệu , nông sản , gạo Việt, Nghịch lý )
Theo Tổng cục Hải quan, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, năm nào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều có mức tăng trưởng ngoạn mục. Sự phát triển về ngoại thương hàng hóa của Việt Nam còn được khẳng định qua bảng xếp hạng về giao dịch thương mại hàng hóa qua các năm. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, mặc dù xuất khẩu các năm tăng ngoạn mục nhưng hàng hóa của Việt Nam khi đóng gói và dán nhãn mác thì lại mang danh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hay đối với gạo cũng vậy. Ai cũng biết, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan về kim ngạch xuất khẩu gạo, thế nhưng thế giới lại chỉ biết đến gạo Thái Lan, mà ít ai biết đến gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nêu một thực tế, dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu,…; hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng… Tuy nhiên, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài.
Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, Trung Quốc nhập các sản phẩm nông sản, trong đó có gạo Việt với số lượng rất lớn, thế nhưng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng nước này thì hoàn toàn lại là của doanh nghiệp Trung Quốc, chứ không phải là của Việt Nam.
Ông Bùi Huy Hoàng cũng cho biết thêm, phần lớn gạo Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, thường lấy tên chung như: Gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm… hoàn toàn không có thương hiệu cụ thể nào. Đó là lý do tại sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại không có giá trị gia tăng cao.
Tương tự, nhiều sản phẩm nông sản khác cũng ở tình trạng “mất danh”. Theo chia sẻ của một chuyên gia ngành nông nghiệp, ông được biết hàng loạt các sản phẩm của Việt Nam như: dứa, cà rốt, cà phê, ca cao… được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua nhưng khi đóng gói và dán nhãn mác thì lại mang danh của các doanh nghiệp nước ngoài, sở dĩ họ phải làm như vậy là vì đó là yêu cầu của phía bên nhập khẩu. Vô hình trung, chúng ta lại đang phải gia công, làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.
Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân tồn tại thực tế này là do nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.
TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng, lâu nay, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa bỏ được tư duy “chạy theo số lượng”. “Nếu chạy theo số lượng và xuất bằng mọi giá, bán đổ bán tháo sẽ tạo cho thế giới nghĩ là sản phẩm của Việt Nam rẻ tiền, chỉ bán chất lượng thấp. Thà chúng ta xuất ít nhưng giá trị cao và tạo được thương hiệu còn hơn xuất khẩu nhiều mà thế giới họ không biết mình là ai” - TS Thịnh nêu quan điểm.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng. Có như vậy, chúng ta mới tạo được thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hòa Bình
.