Kế hoạch cân đối tài chính của nhiều doanh nghiệp đã bị đảo lộn vì quyết định tăng giá điện khá bất ngờ.


Dẫu biết rằng, trong bối cảnh giá tất cả các mặt hàng, trong đó có điện đều phải tiệm cận với cơ chế thị trường đúng nghĩa, mà theo cách nói của những người có trách nhiệm là “chúng ta không có lựa chọn”. Song, khi nền kinh tế vẫn chưa qua khỏi khó khăn, doanh nghiệp, người dân vẫn đang chật vật và lạm phát có nguy cơ tăng tốc trở lại, việc tăng giá điện theo kiểu “úp sọt” đã khiến cho nhiều khách hàng của ngành điện không kịp trở tay.

EVN “lờ” chỉ đạo của Chính phủ?

Tại buổi họp báo ngày 30/7, người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ với báo giới rằng, rút kinh nghiệm các lần trước, lần này Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện.

Không những thế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng phân tích nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định có hay không tăng giá điện, đặc biệt là thu nhập của người dân lao động, sức cạnh tranh của các ngành sản xuất sẽ bị giảm đi nếu giá điện tăng. Theo ông, đó là cái giá phải trả và chúng ta không có lựa chọn khác. Điều đó có nghĩa, ai cũng hiểu rằng, sớm muộn giá điện sẽ tăng.

Nhưng bức xúc của người dân và doanh nghiệp sử dụng điện chính là cách EVN tăng giá điện vào thời điểm mà những trang báo tường thuật lại thông điệp của người phát ngôn Chính phủ vẫn đang nóng hổi.

Không biết kế hoạch tuyên truyền, lấy ý kiến phản biện của chuyên gia, người dân đã được EVN thực hiện từ bao giờ khi mà chỉ mới đầu tháng 7 cả tập đoàn lẫn đại diện Bộ Công Thương đều khẳng định “chưa có phương án tăng giá điện”.

Thực ra, với nền kinh tế hiện tại, giá điện và giá xăng dầu là hai mặt hàng nhà nước vẫn phải kiểm soát bởi nó tác động đến vô số các ngành, lĩnh vực khác. Điều này cũng đã được các nhà quản lý khẳng định bởi giá điện và xăng dầu được lâu nay vẫn được dùng như một công cụ để kiểm soát lạm phát, nên trong nhiều thời điểm, doanh nghiệp không được phép tăng dù giá thế giới có biến động.

Còn theo lý giải của EVN, việc tăng giá điện lần này là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do giá than và giá khí đều tăng, trong đó giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 - 41% tùy từng loại than.

Nhưng các khách hàng sử dụng điện có quyền yêu cầu EVN làm rõ khi mà thời điểm từ tháng 8 trở đi là thời điểm mùa mưa bắt đầu, nước ở các hồ chứa bắt đầu tăng nhanh, sản lượng thuỷ điện vốn chiếm đến 40% cũng sẽ trở nên dồi dào hơn, tại sao lại không được tính đến.

Đặc biệt, qua mỗi tháng, EVN lại cho biết đưa vào vận hành nhiều tổ máy thuỷ điện mới, trong đó siêu dự án thuỷ điện Sơn La - một công trình được đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng từ tiền thuế của dân với khoảng 15% sản lượng điện cho cả nước - cũng dường như bị “lãng quên” khi EVN tăng giá điện.

Ngay cả khi báo giới chất vấn lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, một vị Phó tổng thanh tra cũng phải thừa nhận rằng, việc tính toán đầy đủ các yếu tố cấu thành giá điện bao gồm doanh thu và chi phí, thể hiện qua giá điện trong quá trình thanh tra tại EVN là “một việc rất khó và phức tạp”.

Do đó, dù đã hoàn tất quá trình thanh tra tại EVN, nhưng cơ quan này vẫn chưa thể đưa ra kết luận vì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ các bộ, ngành về doanh thu, chi phí tại EVN.

Khi mà mọi việc vẫn chưa rõ, quyết định tăng giá điện đã được đưa ra một cách khá bất ngờ mà theo cách nói của người dân là kiểu tăng giá “úp sọt”.

“Tăng giá điện phải có lộ trình cụ thể”

Mặc dù ủng hộ EVN tính đủ giá điện, song theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, việc điều chỉnh tăng giá điện sản xuất khá cao như vậy sẽ tác động lớn đến ngành thép. Ông dẫn chứng, chỉ tính riêng tại Công ty Gang thép Thái Nguyên, nếu áp dụng theo giá điện mới ở cấp điện áp 6 - 25 Kv thì sẽ phải chi thêm 2,4 tỷ đồng tiền điện. Giá thép sẽ tăng khoảng 52.000 đồng/ tấn.

“Tất nhiên phải tính đủ chi phí thì ngành điện mới có vốn đầu tư, nhưng việc tăng giá điện phải có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, không chỉ là ngành thép mà còn rất nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế sẽ cảm thấy sốc nếu không có lộ trình”, ông Cường nói.

Cùng quan điểm trên, Phó tổng giám đốc Công ty Dầu thực vật Cái Lân, ông Đặng Bá Thọ cho hay thời điểm này sức mua vẫn đang rất thấp, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực để thúc đẩy sức mua. Do đó, tăng giá điện đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng thêm, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Các yếu tố đầu vào của sản phẩm thấp thì giá mới thấp và ngược lại đầu vào cao thì đầu ra giá cũng cao. Doanh nghiệp muốn tồn tại thì không thể thua lỗ triền miên, bắt buộc phải tăng giá, như vậy lại thiệt cho người tiêu dùng”, ông Thọ nói.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch thì nói, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi hiện đang "sống dở chết dở". Hiện cả nước có hơn 230 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, có 40 nhà máy chủ yếu vốn trong nước đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh, do chi phí đầu vào quá cao. Do vậy, theo ông, nay giá điện lại tăng thì các doanh nghiệp chỉ có “nước chết”.

Đại diện một doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, dù là doanh nghiệp “trong nhà”, nhưng bản thân đơn vị này cũng khá bất ngờ với quyết định tăng giá điện của Bộ.

Bởi chỉ mấy tháng trước, hầu hết các đơn vị quản lý ngành điện đều khẳng định chưa có phương án điều chỉnh giá. Do đó, trong kế hoạch doanh thu và tài chính 6 tháng cuối năm mà doanh nghiệp này mới thông qua, các chi phí đầu vào, trong đó có giá điện vẫn được giữ nguyên. Với việc tăng giá điện khá bất ngờ này, kế hoạch trên đã bị đảo lộn đáng kể.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ vẫn đang tìm các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nỗ lực kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện khác nào đi ngược với chính sách.


Theo Song Hà
TBKTVN

.