Đến năm 2015, các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng sẽ không được bảo hộ thuế, chính sách trợ cấp trong cam kết tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Với thực trạng con giống, công nghệ, quy mô đàn, giá thành… như hiện nay, chắc chắn sản phẩm chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với các nước trong khu vực.
 


Khi chính sách bảo hộ bị dỡ bỏ, sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam mà không qua bất cứ rào cản nào.

Sáu giờ vận chuyển, gà Thái có thể có mặt ở chợ TP.HCM

Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc công ty Thanh Bình, đồng thời là phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam khẳng định, ngành chăn nuôi trong nước còn kém xa về quy mô, năng suất, giá thành, chất lượng với các nước trong khu vực. Vì vậy, khi chính sách bảo hộ không còn, chắc chắn người chăn nuôi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.

Theo phân tích của một số chuyên gia trong ngành, mặc dù cũng phụ thuộc vào con giống, nhưng Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ba quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển nhất khu vực lại đi trước Việt Nam về trình độ công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là quy mô đàn và năng suất lao động. Một nhân công nuôi gà ở Thái Lan có thể quản lý đàn gà công nghiệp 20.000 con, trong khi công nhân Việt Nam cao lắm cũng chỉ được 5.000 con. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan có chính sách đầu tư cho chăn nuôi khá bài bản, doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu thức ăn, các chất phụ gia, khoáng chất… chứ không phải nhập khẩu gần như hoàn toàn như Việt Nam. Họ có thêm các lợi thế về vốn vay rẻ, không phải chịu thuế VAT đầu vào thức ăn và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ phía Chính phủ, nên giá thành sản phẩm thấp hơn Việt Nam ít nhất là 15 – 20%.

Ông Phạm Đức Bình cho biết, cách đây mười năm ông đã khảo sát, nghiên cứu khá kỹ khả năng cạnh tranh của gà Thái Lan khi chính sách thuế bị dỡ bỏ và xét thấy không thể chống đỡ nổi, nên đến đầu năm 2013 công ty Thanh Bình đã rút lui khỏi nghề chăn nuôi gà. Doanh nghiệp Thái Lan, như ông phân tích, họ nuôi gà có giá thành rất rẻ nên đã xuất khẩu đi Nhật, Mỹ, các nước châu Âu và có thể xuất sang thị trường Việt Nam bằng đường bộ qua Campuchia. “Một số tỉnh vùng Đông Bắc nước Thái giáp ranh với Campuchia có tổng đàn lớn nhất nước. Các nhà máy giết mổ ở đây có công suất 2.000 con/giờ trở lên, có thể đưa gà vào giết mổ lúc 6 giờ chiều, đến 9, 10 giờ đêm là xong, sau đó đóng xe tải vận chuyển sang Việt Nam. “Tôi đảm bảo chỉ cần mất sáu tiếng, tức là khoảng 4 giờ sáng là gà Thái đã có mặt ở các chợ TP.HCM”, ông Bình nói.

Việc có thể xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài cũng đưa đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp chăn nuôi các nước trong khu vực. Các thị trường nhập khẩu Nhật, Mỹ, EU thường chuộng phần ức con gà nên giá thường cao hơn rất nhiều, doanh nghiệp các nước chỉ cần bán phần này có thể đảm bảo lợi nhuận. Phần chân, cánh, đùi, nội tạng vốn được người dân Việt Nam ưa chuộng, được bán sang Việt Nam với giá rẻ để cạnh tranh.

Doanh nghiệp lớn cũng thua

Do thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp lớn nước ngoài đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm đàn gà công nghiệp tại Việt Nam như kéo dài thời gian thả nuôi, giảm sản lượng. Ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, tổng đàn gà công nghiệp đang có sự giảm sút nghiêm trọng. Năm 2011, ba đại gia nước ngoài gồm C.P, Emivest, Japfa nuôi tới hơn 120 triệu con, đến năm 2012 giảm còn hơn 70 triệu và năm nay dự kiến còn thấp hơn rất nhiều. “Có tới 50% các trang trại gà công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc ngưng nuôi, ở phía Nam cũng ngưng nuôi hàng loạt”, ông Vang nói.

Chỉ cần 40 – 45 ngày có thể nuôi một lứa gà công nghiệp, nếu thị trường tốt lên, đàn gà sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh đầu tư lâu dài, bền vững, dễ nhận thấy việc giảm thuế nhập khẩu, bỏ trợ cấp trong khu vực AFTA sẽ quyết định đến sự tồn tại của ngành chăn nuôi trong nước. “Cơ hội đầu tư kiếm lợi nhuận cao chắc chắn là không còn nên việc các đại gia nước ngoài thu hẹp đàn, rút dần ra khỏi thị trường gà công nghiệp cũng là điều dễ hiểu”, ông Phạm Đức Bình phân tích.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, nếu bỏ qua cạnh tranh đến từ AFTA, nhiều năm trở lại đây ngành chăn nuôi trong nước cũng đã phải đối mặt sức ép rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu ngoài khu vực như Mỹ, Brazil, EU… Ba, bốn năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có đến hàng trăm ngàn tấn thịt nhập khẩu về với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm nay, thịt gà ngoại vẫn nhập về trung bình mỗi tháng từ 5.000 – 7.000 tấn, bằng 50% sản lượng nuôi trong nước. Nhiều doanh nghiệp cũng không sử dụng thịt heo trong nước mà tận dụng thịt heo đông lạnh giá rẻ từ Mỹ để chế biến xúc xích, thịt hộp, lạp xưởng…


Theo Hoàng Bảy
SGTT

.