10% còn lại là các hãng hóa mỹ phẩm trong nước, điều này cho thấy sự "lép vế" của sản phẩm nội so với thương hiệu ngoại.
 

 

Dạo quanh thị trường trong các siêu thị, cửa hàng, đại lý mỹ phẩm, có thể dễ dàng bắt gặp vô số các nhãn hiệu sản phẩm mỹ phẩm được tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam như Loreal, Ohui, The Face Shop, Loccitan, Oriflame… Trong khi đó, các thương hiệu của Việt Nam như Thorakao, An Hảo, Lana, Thái Dương, Bảo Lâm… thường ít được bày bán, thậm chí bị vứt lăn lóc một góc. Chỉ khi được khách hàng hỏi đến mới được người bán hàng mới mang từ kho ra.

Thiếu chuyên nghiệp

Theo Hội Hóa mỹ phẩm Tp.HCM, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 100 nhãn hiệu mỹ phẩm, trong đó 90% là nhập khẩu. Cả nước hiện có khoảng 430 doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và Tp.HCM, nhưng chỉ chiếm 10% thị phần.

Nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống phân phối của chúng ta còn nhiều bất cập. Có những sản phẩm tốt nhưng thiếu kênh phân phối hữu hiệu đến tay người tiêu dùng (NTD). Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước còn mải mê với xuất khẩu, "bỏ quên" thị trường trong nước. Mặc dù những năm gần đây, tăng trưởng của Thorakao tại thị trường trong nước là 30%, nhưng xuất khẩu vẫn là chủ lực. Tương tự, sản phẩm Lana cũng đã giữ thị phần ổn định tại nhiều nước như: Đức, Úc, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan.

Còn nhiều loại mỹ phẩm nội chưa có tên tuổi bị "lép vế" bởi không thể "chạy đua" với làn sóng phân phối, quảng bá rầm rộ trên phương tiện thông tin đại chúng của các thương hiệu nước ngoài. Trên các kênh truyền hình, vào các "giờ vàng", gần như chỉ dành cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm nổi tiếng, hàng Việt không thể "chen chân" nổi, do chi phí cho quảng cáo quá lớn.

Giám đốc một công ty mỹ phẩm tại Tp.HCM cho rằng sản phẩm của các DN mỹ phẩm trong nước không kém hàng ngoại về chất lượng, mẫu mã, nhưng điểm yếu không có sự đầu tư lớn, trong khi lĩnh vực này lại rất cần phải có kinh phí cải tiến sản phẩm, bao bì, nhất là kênh tiếp thị quảng cáo để người tiêu dùng hiểu được sản phẩm, từ đó xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Mỹ phẩm thiên nhiên

Mới đây, một công ty nghiên cứu thị trường đưa ra kết quả khảo sát về tình trạng tiêu dùng mỹ phẩm ở độ tuổi dưới 25 tuổi tại 30 trường phổ thông, cao đẳng, đại học và các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Kết quả có có 30% số học sinh ở độ tuổi 15 – 16 bắt đầu làm quen với một trong các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm cơ bản như: sữa rửa mặt, sữa tắm, nước dưỡng cân bằng độ ẩm, kem dưỡng chống mụn, son dưỡng môi… Tỷ lệ này có chiều hướng tăng dần theo độ tuổi. Đến khoảng 17- 19 tuổi, tỷ lệ có dùng mỹ phẩm là 70%, và trên 19 tuổi, tỷ lệ này gần 90%, số lượng các loại sử dụng từ 3 loại sản phẩm trở lên.

Theo bà Lê Thị Châu Giang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mỹ phẩm ASEAN, còn nhiều cơ hội cho các DN nội. Hơn ai hết, họ hiểu về văn hóa cũng như NTD của mình muốn gì. Trong xu thế phát triển chung của thế giới cũng như Việt Nam, nhiều NTD ưa chuộng sản phẩm mỹ phẩm chiết xuất từ thiên nhiên. Đây là lợi thế lớn cho các DN mỹ phẩm nội địa, vì nước ta có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp trồng nhiều loại cây nguyên liệu để sản xuất nguyên liệu, cung cấp tinh dầu hương liệu phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm như: bạc hà, tràm, sả, hồi, nghệ, bồ kết, gừng, chanh, bưởi, dưa leo…

Thời gian qua một số DN Việt Nam đã đi theo xu hướng này như Miss Saigon (Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn), Thorakao của Công ty TNHH sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo, Thái Dương của Công ty CP Sao Thái Dương, La na, E 100 (Công ty Đại Việt Hương)… Ngoài ra, còn có nhiều công ty mỹ phẩm trong nước cũng tung ra các loại mỹ phẩm đa dạng, chiết xuất từ nha đam, lô hội, cây chùm ngây, mủ trôm, bùn khoáng, tảo biển Spirulina…

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, dần nắm lại thị trường, các DN nội cần có sự đầu tư bài bản hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và làm thương hiệu. Cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tìm phân khúc thị trường riêng.
 

Theo Thời báo Kinh doanh