Thị trường mỹ phẩm tại TPHCM ngày càng phong phú, đa dạng. Các mặt hàng mỹ phẩm đang được bày bán tràn lan, kể cả trên vỉa hè và ở chợ trời, với nhiều mẫu mã và giá cả rẻ bèo. Mỹ phẩm giá rẻ phù hợp với túi tiền của người lao động nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dùng.
Chị Vũ Hạnh Linh, một chủ tiệm bán mỹ phẩm trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) thành thật: “Hầu hết các cửa hàng đều lấy thêm hàng nhái ở chợ để trà trộn với hàng chính hãng. Thường khách mua phải hàng dỏm trong các cửa hàng là những thiếu nữ mới lớn, mới tập xài mỹ phẩm”. Cũng theo chị Linh, hiện nay có nhiều cơ sở in ấn ở đường Nhật Tảo (quận 5), Minh Phụng (quận 6), Tân Hòa Đông (quận Bình Tân)… nhận làm bao bì nhái với giá cả rất rẻ. Hơn nữa, việc sử dụng mỹ phẩm cũng hên xui, da ai hợp thì không sao, còn da không hợp thì xài loại mắc tiền cũng bị dị ứng, nên người sử dụng không thể kiện cáo gì được nếu mua phải mỹ phẩm dỏm gắn mác hàng chính hãng. Do đó, sau khi được gắn “tem chống hàng giả”, các loại mỹ phẩm bán tại các chợ với giá rẻ nghiễm nhiên vào các cửa hàng mỹ phẩm, thành hàng nhập khẩu, hàng chính hãng thương hiệu Estee Lauder, L’Oreal, Clinique, Clarins, Dior...
Trên mạng, kem chống nắng, kem trộn, sữa tắm trắng, mặt nạ trắng da, kem kích trắng toàn thân… được quảng cáo là có hiệu quả ngay từ lần đầu sử dụng, hàng nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp được các spa uy tín sử dụng, nhưng giá lại khá rẻ nên nhiều bạn trẻ đổ xô đặt hàng. Với những lời quảng cáo có cánh như: “Chỉ khoảng 300.000 đồng đã có sản phẩm tắm trắng với chất lượng vượt trội” hay “tiếc gì 400.000 đồng để có làn da trắng sáng như Ngọc Trinh”, đã làm nhiều người cả tin chạy theo.
Tiền mất tật mang
Thông thường, nếu mua mỹ phẩm tại các cửa hàng phân phối, siêu thị, khách hàng sẽ được chuyên viên soi da, tư vấn sản phẩm phù hợp với loại da của mình để hạn chế tối đa sự kích ứng. Vậy nên mua bên ngoài, khách hàng đành đánh cược với làn da của mình, nhiều trường hợp tiền mất tật mang. Chị Huỳnh Anh (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) than thở: “Thấy quảng cáo rầm rộ trên Facebook, lại được nhiều người bình luận là hàng tốt, hiệu quả, nên tôi đặt mua bộ sản phẩm tắm trắng toàn thân. Về sử dụng được 4 ngày thì da bị đỏ tấy, khô và bị mụn nước li ti. Gọi hỏi người bán hàng thì họ buông một câu rất vô trách nhiệm là do da mình quá yếu”. Còn cô bạn Dương Thị Trinh (ngụ đường Bình Thới, quận 11) phản ánh, sử dụng kem tắm trắng thời gian đầu có tác dụng nhưng khoảng hơn 1 tháng sau da bỗng chuyển màu sạm vàng như da bị bẩn. Vì mua hàng qua mạng nên rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Thanh Mai, giảng viên bộ môn da liễu Đại học Y Dược TPHCM, khuyến cáo: “Mỹ phẩm là sản phẩm làm đẹp nên phải thận trọng, nếu không, người sử dụng sẽ rước bệnh vào người. Trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm giá rất rẻ, thường là hàng dỏm, sản xuất từ những nguyên liệu hóa chất rẻ tiền như alpha hydroxy, glycolic, lactic, citric, tartaric..., là những chất có tính tẩy rửa rất cao, dẫn đến ăn mòn da. Còn son môi dỏm có chứa nhiều chì để lên màu đẹp, khó trôi, nhưng lại là chất gây thâm môi”. Theo bác sĩ Mai, có nhiều loại mỹ phẩm gây dị ứng như kem dưỡng da, son môi, phấn các loại, nhưng phổ biến nhất là các loại sản phẩm làm trắng da, đặc biệt là các loại kem kích trắng.
Theo SGGP