Trắng, đẹp rạng rỡ… luôn là mong ước của nhiều chị em phụ nữ. Đánh vào tâm lý đó, hàng loạt mỹ phẩm đã được các doanh nghiệp (DN), cơ sở bào chế để đáp ứng nhu cầu làm đẹp này. Tuy nhiên, bên cạnh những DN, cơ sở sản xuất uy tín cũng có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng. Thực tế, gần đây các ngành chức năng ở Bình Dương cũng như cả nước đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, sản xuất mỹ phẩm giả kém chất lượng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

 

 

Nhiều nơi vẫn bày bán mỹ phẩm kém chất lượng

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương đã bắt giữ rất nhiều hàng cấm, hàng lậu, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Tuy vậy theo ghi nhận, tại nhiều quầy mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh, hiện các loại mỹ phẩm không nhãn mác, kem chính hãng trộn lẫn kem nhái nhãn hiệu vẫn được bày bán nhiều.

 

Tìm hiểu tại một số quầy hàng bán mỹ phẩm ở chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), chợ Búng, chợ Lái Thiêu (TX. Thuận An)... chúng tôi thấy, mỹ phẩm son, phấn, kem dưỡng da mặt... được bày bán rất đa dạng, từ nhãn hiệu sản xuất trong nước đến hàng nhập khẩu; giá cả cũng đủ loại từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng/sản phẩm. Theo đại diện các quầy hàng này, họ lấy sản phẩm về bán từ công ty nên bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, khi được hỏi các sản phẩm sản xuất ở đâu và ra sao thì đại diện nhiều quầy hàng không hay biết. Chủ một quầy hàng mỹ phẩm ở chợ Thủ Dầu Một cho biết, thường thì nhân viên các công ty mỹ phẩm đến quầy hàng của bà chào mời, giới thiệu sản phẩm. Khi bà chấp nhận mua sản phẩm thì họ đến giao hàng luôn, bà không trực tiếp đến đại lý lớn hay công ty để lấy hàng vì không có thời gian.

 

Mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường đã gây lo lắng không chỉ cho người tiêu dùng mà cho cả doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này. Theo các nhà chuyên môn, hiện nay nhiều cá nhân tự lập cơ sở sản xuất, tự công bố địa chỉ nơi sản xuất nhưng khi chúng tôi tìm đến thì không có thực; trong khi đó mẫu mã, bao bì, công dụng, thành phần thông tin sản phẩm làm giả giống hệt sản phẩm chính hãng nhưng được bán giá thấp hơn giá chính hãng. Thực tế đáng báo động này đang gây bức xúc cho những DN, cơ sở kinh doanh chính đáng.

 

Mỹ phẩm giả “tấn công” nhà sản xuất

 

Anh Nguyễn Hữu Tiếng, đại diện Công ty Cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay số lượng mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng bày bán trên thị trường vẫn còn khá khiêm tốn so với mỹ phẩm kém chất lượng. Trong khi đó, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng có giá mềm hơn, thay vì những mỹ phẩm được bày bán trong các cửa hàng tiêu chuẩn. Điều đáng nói là những người bán mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường luôn quảng cáo đây là mỹ phẩm khuyến mại giảm giá theo đợt, công ty chiết khấu thêm hoa hồng cho đại lý... Còn về phía cơ quan chức năng, thường chỉ nắm được những cơ sở sản xuất lớn, không thể kiểm soát hết các cơ sở nhỏ lẻ, tự sản xuất nên dẫn đến tình trạng trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng, giả, nhái.

 

Minh họa cụ thể trường hợp sản phẩm của công ty bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, anh Tiếng cho biết, cách đây 6 tháng Cục Quản lý dược buộc đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 56 sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Tân Đại Dương (quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh) vì sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến nay vẫn còn cửa hàng bày bán những sản phẩm vi phạm này. Anh Tiếng cho rằng, hiện nay ngoài việc phải đối phó với hàng giả, hàng nhái thì doanh nghiệp chân chính còn phải chịu cảnh một bộ phận người bán vẫn còn chạy theo lợi nhuận trước mắt: hàng nào cho lợi nhuận tốt hơn, khuyến mại lớn, chiết khấu cao thì bán, không quan tâm đến hàng xuất xứ từ đâu, hàng thật hay hàng giả. Đó là chưa nói đến việc chế tài xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu hiện chưa đủ sức răn đe.

 

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật, để xử phạt các vi phạm về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ thì phải có giám định kết luận, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy và đương sự phải nộp khoản tiền giám định đó. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp khoản tiền này. Mặt khác, muốn giám định chất lượng sản phẩm hàng hóa giả phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, ngành chức năng lại không thể giám định được vì chủ sở hữu sản phẩm e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng. Bởi vậy, dù lực lượng QLTT tịch thu và xử lý nhiều hàng hóa vi phạm nhưng vẫn mới chỉ giải quyết được một phần.

 

Cũng theo ông Danh, về phía người tiêu dùng, do thói quen sử dụng tình cảm, niềm tin trong giao dịch nên thường mua bán hàng hóa theo kiểu mua là xong mà chưa quan tâm đến hóa đơn, chứng từ. Chính vì vậy mà hàng giả vẫn tồn tại, gây nhiều hậu quả đối với người tiêu dùng.

 

Theo Báo Bình Dương

.