Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất hàng dệt may khá sôi động nhờ xuất khẩu tăng cao. Đến thời điểm này, nhiều DN may trong tỉnh đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm.
May mặc là một trong 7 ngành hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, với mức tăng trưởng hơn 53%. Theo phản ánh của các DN may mặc, hiện tại, đơn hàng của các DN khá dồi dào, một số DN đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm đến hết năm nay. Đại diện Công ty Hikosen Cara (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết: Năm 2014, Hikosen đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 triệu USD, tăng 20% so với năm 2013. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của công ty đã tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, công ty đã ký được đơn hàng đến hết năm 2014. Năm 2015, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…, công ty sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm là Malaysia, Nga, Canada… Còn tại Công ty Meisheng Textiles VietNam Co., LTD (huyện Châu Đức), ông G.Narasimha. Rao, Giám đốc tài chính công ty cho biết: “Năm 2014, công ty đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD, tăng 15% so với năm 2013. Đến thời điểm này, từ kết quả đã đạt được, chúng tôi tự tin hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đề ra”. Hiện nay, 90% sản phẩm của của công ty được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ngành dệt may những năm gần đây đã giữ được mức tăng trưởng mạnh mẽ trên các thị trường truyền thống. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng khoảng 15%; EU tăng 19%; Nhật Bản tăng 14%; Hàn Quốc tăng 32%. Bên cạnh đó, ngành cũng đã phát triển được một số thị trường mới nổi, có quy mô lớn như: Trung Quốc, Nga…
Năm 2014, ngành công thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước đạt 23,6 tỷ USD. Con số này đưa ra dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là, tại thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản, hàng dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng. Tại EU, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường do nhu cầu hàng dệt may tại thị trường này rất lớn. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đang trong giai đoạn đàm phán tích cực, có thể sẽ ký kết vào cuối năm nay. Khi hiệp định này được ký kết, hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội may Việt Nam (Vitas), dù kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do ngành phải nhập nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất, chỉ chủ động được 1% nhu cầu bông, 20,2% nhu cầu vải. Cùng đó, ngành dệt may Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu một cách bị động, sản xuất gia công là chủ yếu, thiếu đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bản thân các DN sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.
Dưới áp lực của các hiệp định thương mại sắp được ký kết, ngành dệt may đang nỗ lực tìm cách phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, thay đổi phương thức sản xuất. Đây cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng cho sản phẩm dệt may xuất khẩu. Theo VITAS, để ngành dệt may phát triển bền vững, các DN trong nước cần có kinh nghiệm sản xuất và kỹ năng quản lý để cạnh tranh trên các thị trường quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, để tăng giá trị gia tăng, các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước cần phải nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng các ngành công nghiệp hỗ trợ, và nghiên cứu thị trường một cách cẩn thận.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
s