Có “lợi ích nhóm” đứng sau các dự án!?

Một dự án khác cũng được UBND tỉnh Ninh Bình cho “đội” vốn, có khả năng làm thất thoát ngân sách nhà nước, phải kể đến dự án Nạo vét, xây kè bờ Tây và bờ Đông sông Vân, TP. Ninh Bình. Dự án này được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương (tại Văn bản số 502/UBND-VP4 ngày 11/9/2003, văn bản số 415/UBND – VP4 ngày 12/5/2010) và được phê duyệt dự án (tại Quyết định số 2771/QĐ-UBND ngày 12/11/2004, Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 và Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 27/7/2010) với tổng mức đầu tư ban đầu là 149,557 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên mức đầu tư là 999,91 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2015, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. 

Hay dự án hồ Máy Xay và hồ Biển Bạch ở trung tâm TP. Ninh Bình cũng được kè bao bằng đá tiêu hết gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, tại Thông báo số 260 – TB/TU của Thường vụ Thành ủy TP. Ninh Bình ngày 21/2/2012 và phê duyệt dự án tại Quyết định số 3173/QĐ-UBND ngày 09/12/2012 có ghi tổng mức đầu tư là 479,244 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012 - năm 2015; nguồn vốn ngân sách TP. Ninh Bình (nguồn tiền xin cơ chế đặc thù từ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố). Hiện tại, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Trung tâm hành chính huyện Gia Viễn và hạ tầng kỹ thuật thị trấn Me (Gia Viễn – Ninh Bình) cũng được đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trên cơ sở được sự đồng ý chấp thuận và phê duyệt của cấp có thẩm quyền, UBND huyện Gia Viễn phê duyệt dự án tại Quyết định số 230/QĐ-UBND ngày 27/2/2015 với quy mô gồm: Trụ sở làm việc Huyện ủy Gia Viễn, Nhà làm việc HĐND – UBND huyện Gia Viễn, Nhà hội trường trung tâm, Nhà ăn, Nhà khách; tổng đầu tư là 320,490 tỷ đồng từ nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất. Hiện nay, dự án đã xây xong phần móng và phần thô của một số hạng mục, khối lượng nghiệm thu thanh toán xây lắp là 124,504 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Dòng sông Vân sau khi “tiêu” hết gần 1.000 tỷ đồng 

Không có quy hoạch chi tiết, doanh nghiệp phá vỡ quy hoạch

Không chỉ có những dự án nêu trên, ngay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư phía Tây cống Ải, phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình (nay gọi là dự án khu đô thị Xuân Thành), có diện tích 308.666.6m2 đất, có mức đầu tư lên đến 3.500 tỷ đồng (làm tròn số). Dự án này được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận đầu tư tại các Văn bản số 156/UBND – VP4 ngày 09/02/2010, Văn bản số 495/UBND - VP4 ngày 09/06/2010 (chủ trương đầu tư dự án được Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến đồng ý tại Hội nghị giao ban ngày 15/01/2010) và phê duyệt dự án tại Quyết định số 38/QĐ-XT ngày 12/06/2010 của Tập đoàn  Xuân Thành với tổng mức đầu tư  là 3.572.075 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012 - năm 2020 cũng khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi.

Các dự án tiêu tốn cả trăm tỷ đến nghìn tỷ đồng ở Ninh Bình tính hiệu quả đâu chưa thấy, nhưng sự hiện hữu của những dự án có dấu hiệu “lợi ích nhóm” là dấu hỏi mà nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh đặt ra. Tiêu biểu trong số đó, có nhiều ý kiến về việc ngày 7/1/2011, tỉnh Ninh Bình ra Văn bản số 15/UBND-VP4 về việc  đồng ý giao 187.864,5m² cho Tập đoàn  Xuân Thành để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư phía Tây Cống Ải phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình khi không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trong khi các Quyết định số 57 ngày 10/1/2011 và Quyết định số 153 ngày 11/2/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình đều yêu cầu rất rõ là phải có quy hoạch chi tiết theo Luật Xây dựng mới được tổ chức thực hiện. 

Điều đáng quan tâm nữa, với số diện tích đất  hàng nghìn m2 khi áp giá đền bù thì rất thấp, đồng thời nêu khó khăn về vị trí, lợi thế khu đất để giảm giá ưu đãi mức thấp nhất, nhưng giá trị đất chênh lệch nhau từ 7-10 triệu đồng (giá thấp nhất thời điểm đó). 

leftcenterrightdel
Các hạng mục hạ tầng khu đô thị Xuân Thành đang được thực hiện dang dở và có nhiều dấu hiệu phá vỡ quy hoạch. Ảnh: PV 

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, một số cử tri là lão thành cách mạng phản ánh và đặt câu hỏi: đến nay, tỉnh Ninh Bình mới thu vào ngân sách nhà nước hơn 280 tỷ đồng, dấu hiệu thất thu ngân sách Nhà nước khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Con số này là đúng hay sai, cần phải được làm rõ. Việc UBND tỉnh Ninh Bình giao 187.864,5m² cho Tập đoàn  Xuân Thành khiến dư luận tỉnh này mong muốn các cơ quan liên ngành Trung ương cần nhanh chóng vào cuộc thanh, kiểm tra toàn diện để công khai trước dư luận.

Theo tìm hiểu của PV, các dự án trên đều do Tập đoàn Xuân Thành là nhà thầu thi công. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã phá vỡ quy hoạch bằng cách, dự án gọi là khu đô thị nhưng Tập đoàn  Xuân Thành lại xây dựng theo ý thích của mình, nhiều “biệt phủ” đứng tên doanh nghiệp nhỏ là con cháu ông Nguyễn Xuân Thành, nhiều chỗ lại xây theo kiểu một ngôi nhà đơn giản… Đặc biệt, việc đầu tư các công trình trăm tỷ, nghìn tỷ như trên không còn “lạ” ở tỉnh Ninh Bình. Nhưng điều khiến dư luận nhân dân quan tâm là giá trị đích thực của các dự án nêu trên có đúng với các quyết định mà các cấp của tỉnh Ninh Bình phê duyệt hay không? Các dự án này có đem lại hiệu quả hay không khi người dân chưa biết sẽ được hưởng lợi gì...? Hàng loạt dấu hỏi đang cần cơ quan chức năng của trung ương vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ.

Thu Hương