Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: Tập đoàn Vinachem có nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến ông Hoàng Văn Tại, Tổng giám đốc Công ty phân lân Văn Điển. Về vụ việc này, Tập đoàn đã có báo cáo gửi Bộ Công thương và Bộ Công thương đã lập Đoàn thanh tra và đang xuống làm việc với Công ty phân lân nung chảy Văn Điển để xác minh những nội dung đơn thư. Mới đây, Công an TP. Hà Nội cũng đã đến làm việc về nội dung tố cáo và chúng tôi cũng đã có công văn trả lời đầy đủ cho Công an TP. Hà Nội biết để xác minh đúng bản chất vụ việc. Tại thời điểm đó, ông Tại đã có đơn xin nghỉ việc và Hội đồng thành viên Vinachem đã họp để xem xét đơn xin nghỉ việc của ông Tại. Tuy nhiên, khi đó đã có đơn thư khiếu nại, tố cáo nên Tập đoàn chưa cho ông Tại nghỉ việc được mà phải xử lý xong đơn thư trong 45 ngày mới tính đến việc xem xét đơn xin nghỉ của ông Tại. Bây giờ, tôi chưa nói được gì nhiều, cuối cùng vẫn phải chờ kết luận thanh tra. Khi có kết luận thanh tra rồi thì chúng tôi sẽ có hướng xử lý đối với ông Tại. Cho nghỉ việc hay kỷ luật đều phải dựa vào kết luận của đoàn Thanh tra của Bộ. Quan điểm của Tập đoàn Vinachem là xử lý nghiêm, đúng pháp luật.

leftcenterrightdel

Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, ông Hoàng Văn Tại, Tổng giám đốc Công ty phân lân nung chảy Văn Điển bị tố cáo có nhiều việc làm có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xác minh, điều tra để tránh thiệt hại cho cổ đông cũng như phần vốn Nhà nước tại Công ty phân lân Văn Điển. Cụ thể, khi Công ty phân lân Văn Điển thực hiện cổ phần hóa thì em của ông Hoàng Văn Tại là Hoàng Văn Thái đã lập ra Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái (gọi tắt là Công ty Anh Thái) do gia đình ông Thái quản lý và điều hành. Cổ đông phản ánh rằng, từ năm 2011 đến nay Tổng Giám đốc Hoàng Văn Tại đã cho Công ty phân lân Văn Điển ký nhiều hợp đồng và phụ lục hợp đồng với Công ty Anh Thái để thực hiện mua bán hàng hóa với tổng giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng. Cũng theo phản ánh của cổ đông thì những thương vụ mà ông Tại ký với Công ty Anh Thái đã đem về lợi ích cho “sân sau” là Công ty Anh Thái. Trong đó, có những hợp đồng mà cổ đông “tố” là hợp đồng giao dịch mua xi măng, kaly, Công ty phân lân Văn Điển phải trả giá mua cao hơn giá thị trường. Cũng như hợp đồng giao dịch bán phân bón Văn Điển, Công ty Anh Thái được độc quyền tiêu thụ phân bón của Công ty phân lân Văn Điển tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, được cấp tín dụng hàng chục tỷ đồng (gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của Công ty Anh Thái)...

Ngoài ra, cổ đông cũng nêu những nghi vấn quanh việc Tổng giám đốc Hoàng Văn Tại đã ký các hợp đồng độc quyền bán phân bón (hàng hóa đầu ra); các hợp đồng cung cấp hàng hóa, vật tư, nguyên liệu (đầu vào) cho Công ty phân lân Văn Điển; sử dụng quyền của người đại diện phần vốn Nhà nước quyết định với giá nhập nguyên liệu đầu vào cao hơn giá thị trường; cung cấp hàng hóa với nhiều ưu ái cho Công ty Anh Thái để kiếm lợi mà không công khai thông tin trong Hội đồng quản trị. Trong quá trình cổ phần hóa đã để ngoài sổ sách số lượng lớn kaly, đạm, thiết bị, máy móc… Ngoài việc đưa Công ty “người nhà” vào để hưởng lợi, cổ đông Công ty phân lân Văn Điển còn tố cáo ông Hoàng Văn Tại đã tự ý triển khai cải tạo lò cao số 2 để thực hiện đề tài công nghệ: “Sử dụng khí thải lò cao để sấy bán thành phẩm” với giá trị kinh tế lớn có dấu hiệu khuất tất. Vì việc thực hiện cải tạo lò cao số 2 không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 của Công ty phân lân Văn Điển và chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Khi có ý kiến của cổ đông, thành viên HĐQT yêu cầu đưa những hồ sơ, tư liệu về đề tài này thì ông Tại không cung cấp…

Trong cuộc làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật, ông Hoàng Văn Tại cũng thừa nhận là đã ký hợp đồng làm ăn với Công ty của em ruột mình và thực hiện cải tạo lò cao số 2 nhưng không thông qua HĐQT.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Lê Sử