Không những thế, trong dự án của công ty thực hiện, Tổng giám đốc đã không thông qua Hội đồng quản trị (HĐQT).

Ông Tại cho biết, đơn tố cáo cá nhân ông có nhiều nội dung nhưng có hai nội dung chính là việc em trai của ông thành lập Công ty Anh Thái để ký hợp đồng độc quyền buôn bán kali, xi măng,…với công ty phân lân Văn Điển (viết tắt là Công ty Văn Điển) có nhiều khuất tất, gây nghi ngờ cho các cổ đông và việc thực hiện cải tạo lò cao số 2 không minh bạch, không thông qua kế hoạch và HĐQT.

Về vấn đề này, ông Tại cho rằng: đối với mặt hàng kali, xi măng thì việc mua nguyên liệu vật tư cho việc sản xuất của công ty hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất, nhu cầu khách hàng và theo quy định của công ty. Phòng kinh tế của công ty xem xét danh sách khách hàng, đại lý khách hàng có đủ tiêu chuẩn, uy tín để đề nghị Giám đốc duyệt và ký hợp đồng. “Công ty Anh Thái cũng vậy, chúng tôi xử lý công bằng như các đại lý khác. Về giá thì chúng tôi phải họp Hội đồng giá và thông qua giá tốt nhất, trình Tổng giám đốc duyệt. Không thể có giá cao hơn thị trường, thậm chí có những lúc có đại lý còn thấp hơn thị trường. Về số lượng, chất lượng, phía công ty khi ký mua các vật tư đều qua kiểm đếm đầu bao và thông qua cân điện tử. Sau đó, kiểm tra chất lượng phải đạt rồi mới nhập kho, còn những mặt hàng không đạt chất lượng đều bị trả về. Còn câu chuyện mua giá cao hơn và không đảm bảo chất lượng là không có” – ông Tại khẳng định.

Ông Tại thừa nhận Công ty Anh Thái có anh Hoàng Văn Phái (Giám đốc công ty) là em trai của ông. Ông Tại cho rằng, anh Phái đã làm đại lý cho công ty trước khi công ty cổ phần, khoảng 20 năm nay và đều có sản lượng cao. Ví dụ như năm 2008, anh này bán được 6540 tấn, năm 2009 là hơn 13 nghìn tấn. Năm 2010 Công ty Văn Điển chuyển sang công ty cổ phần, ông Tại làm Tổng giám đốc thì các hợp đồng của anh Phái được ký cuối năm 2009 để chuẩn bị cho 2010 và cuối năm 2010 thì chuẩn bị cho năm 2011. Như vậy, ông Tại vẫn tiếp tục ký với anh Phái những hợp đồng mua bán.

Ông Tại giải thích, để tiếp tục làm ăn với em trai mình, ông đã có tờ trình gửi Chủ tịch HĐQT, báo cáo xin chủ trương của HĐQT về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán với công ty Anh Thái. HĐQT đã có Nghị quyết (số 47 ra ngày 30/12/2010) phê duyệt tờ trình này, đồng ý cho ông vẫn ký kết hợp đồng mua bán với công ty Anh Thái. “Chính anh Phái là em ruột của tôi nên tôi làm Tờ trình này lên HĐQT, nếu không phải em ruột thì tôi không phải làm tờ trình này” – ông Tại nhấn mạnh.

Theo khoản 5 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Tại cho rằng ông chỉ biết quy định của Luật Doanh nghiệp. “Trong một rừng luật pháp thì đối chiếu hết là rất khó khăn, nhưng tôi cho rằng lúc đó tôi đã xin chủ trương”.

Đối với dự án cải tạo lò cao số 2: Dự án cải tạo lò cao hết khoảng 1 tỷ và công ty tự làm lấy, không thông qua đấu thầu. Dự án khí thải lò cao được thực hiện với tiêu chí môi trường ngày càng siết chặt. Đối với công ty đóng trên địa bàn Hà Nội rất nhạy cảm với vấn đề môi trường. Vì thế, công ty không ngừng nghiên cứu để tìm ra biện pháp để giảm tải ô nhiễm. Đặc biệt là gần đây, Luật Năng lượng đi vào cuộc sống thì công ty đã thực hiện việc này và hàng năm phải báo cáo. “Chính vì thế, tôi đã làm việc này và có trình với Tập đoàn và Tập đoàn đã đồng ý. Tuy nhiên, tôi chưa đưa ra bàn bạc với Hội đồng quản trị, đó là sai sót của chúng tôi. Đúng ra việc này phải đưa ra Hội đồng quản trị nhưng do nóng vội nên chúng tôi làm trước. Còn nói chúng tôi giấu diếm thì chúng tôi không có gì giấu diếm cả. Hiện nay, dự án này xảy ra sự cố và bây giờ đang quay lại sản xuất hệ thống lò cũ”- ông Tại cho biết.

Hiện tại, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đang có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo về việc làm ăn thiếu minh bạch. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ tránh thất thoát vốn của Nhà nước.

Hoài Thu