(BVPL) - Đánh giá về chất lượng lao động Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Tào Bằng Huy cho biết, chất lượng lao động của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển và hội nhập, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập. Việc kết nối giữa đào tạo với việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của thị trường lao động…

Nhiều bất cập

Năm 2015, dân số Việt Nam ước khoảng 91,7 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,6 triệu người, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 47,8 triệu người. Tỷ lệ qua đào tạo chung là 51,6%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ đạt gần 21%. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển và hội nhập, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (chiếm 28,54%), đứng ở vị trí thứ hai là nhóm lao động công nhân kỹ thuật không có bằng/chứng chỉ (chiếm 22,26%), xếp thứ 3 là nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 17,52%) và thấp nhất là nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề (chỉ chiếm 2,2% tổng số lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp). Do vậy, lao động Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường lao động cả trong và ngoài nước.

 Ông Tào Bằng Huy cho rằng, do đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam, việc làm phi chính thức còn chiếm tỷ trọng lớn, do vậy tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp (duy trì ở mức trên 2%). Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Cần xây dựng “trường trong doanh nghiệp”

Theo Báo cáo đánh giá về thị trường lao động Việt Nam của Cục Việc làm, dự kiến số lao động làm việc trong doanh nghiệp đến tháng 12/2016, khoảng 12,9 triệu người. Nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp vẫn tập trung ở nhóm lao động trình độ thấp và một phần nhỏ đối với lao động có trình độ cao; còn lại hầu hết những lao động bậc trung lại ít có nhu cầu sử dụng.

 Dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động Việt Nam đạt khoảng 59,2 triệu người.Trong số 17 ngành kinh tế cấp I, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh lao động nhưng vẫn là ngành có số lượng lao động lớn nhất, dự báo đến năm 2020 có khoảng trên 20 triệu người làm việc trong ngành này (giảm gần 5 triệu người so với năm 2015); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được dự báo là ngành tập trung lao động đứng thứ hai, dự báo khoảng trên 9,7 triệu người (tăng hơn 2 triệu người so với năm 2015); ngành được dự báo có số lượng lao động lớn thứ ba là ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác: khoảng 8,5 triệu người (tăng khoảng 1,8 triệu người so với năm 2015)...

Nhằm đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ giỏi, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công tác đào tạo đặc biệt là đào tạo nghề cho người lao động. Đào tạo nên gắn với thực tiễn, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tự đào tạo lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, cơ cấu trình độ đào tạo của nước ta đang mất cân đối, tình trạng lao động có trình độ cao thất nghiệp ngày càng nhiều. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường công tác hướng nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm trong các cơ sở giáo dục - đào tạo, thậm chí công tác hướng nghiệp cần thực hiện từ rất sớm; tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường lao động để các nhà trường, học sinh, sinh viên và phụ huynh có định hướng trong đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề học đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông Host Sumer, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển nghề Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, Việt Nam nên thử nghiệm nhiều mô hình để lựa chọn mô hình phù hợp nhất về đào tạo nghề trong nước.“Học ngay tại nơi làm việc và học tại nhà trường, đó chính là mô hình đào tạo nghề đã thành công 200 năm nay tại Đức, qua đó giúp giới trẻ tại Đức thất nghiệp rất thấp do được đào tạo nghề bài bản”.
 

Trần Mai

.