(BVPL) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ  Mạc Văn Tiến, Viện trưởng viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với lao động Việt Nam cũng như công tác đào tạo nghề hiện nay.

 


Cơ hội AEC

Cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn..

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do ILO thực hiện cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay; gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần; cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Thay đổi để nắm bắt cơ hội

PGS- TS Mạc Văn Tiến cho biết, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhưng đồng thời có những hạn chế, những thách thức không nhỏ. Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển ông Tiến cho biết.

Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

PGS - TS Mạc Văn Tiến, cho biết, nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp là do công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề,…

Mặt khác, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế, như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước. Ngoài ra, còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo.

Để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay, ông Mạc Văn Tiến cho rằng, cần phải đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo, trong đó có đào tạo nghề ở nước ta để lao động Việt Nam không  bỏ lỡ cơ hội mà AEC tạo ra.  
 

PV

.