Lạm phát thấp nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng tốt
Cập nhật lúc 18:37, Thứ sáu, 25/12/2015 (GMT+7)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05 %, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Theo Tổng cục Thống kê, CPI thấp nhưng tăng trưởng vẫn tốt cho thấy đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế… (CPI, lạm phát, nền kinh tế, tăng trưởng tốt)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001. Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05 %, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Theo Tổng cục Thống kê, CPI thấp nhưng tăng trưởng vẫn tốt cho thấy đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế…
Tín hiệu tốt cho nền kinh tế
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhận xét rằng, bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0,05%, giữ ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường.
Đại diện Vụ Thống kê giá cũng đưa ra nhận định việc theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng: “Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó chúng tôi khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát chủ động chứ không phải lạm phát rồi mới kiểm soát. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững…”
“Mức tăng GDP cao nhất trong vòng 5 năm qua cho thấy sự vận hành của nền kinh tế rất là tốt. Chúng ta không cần đánh đổi việc tăng giá để có được tăng trưởng. Giá thấp nhưng vẫn tăng trưởng tốt, tôi cho rằng đây là một thành công lớn về điều hành trong năm qua”- bà Thủy nói.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK cho biết thêm, năm 2015 nhập siêu của nền kinh tế là trên 3 tỷ USD. “Chúng tôi rất mừng vì nhập siêu như vậy là điều tất yếu của nền kinh tế. Hiện chúng ta sản xuất nhưng vẫn còn phụ thuộc rất nhiều nguyên liệu từ bên ngoài, bởi vậy chúng ta phải nhập siêu để sản xuất. Đây không phải là vấn đề đáng ngại. Tuy nhiên, chúng ta ngày càng hội nhập, cần phải chú trọng đến các ngành công nghiệp phụ trợ để làm sao đủ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất để dần tránh phụ thuộc vào bên ngoài.”- ông Lâm cho biết.
Theo baophapluat.vn
.