Chuối “tiến vua” hay còn gọi là chuối Laba - một loại chuối quý mà chỉ ở Lâm Đồng mới có. Một thời gian dài ít được người tiêu dùng nhắc đến, gần đây giống chuối này mới bắt đầu được khôi phục lại.

 


Gian nan tìm hướng đi mới
 
Sinh năm 1963, ông Công cùng gia đình đã gắn bó với nghề trồng hoa màu suốt nhiều năm. Nhưng do nhà ông neo người, mà các loại cây hoa màu lại đòi hỏi nhiều công chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh, cho nên dù vất vả trăm bề gia đình ông vẫn không thoát ra được vòng luẩn quẩn của cái nghèo: “Có những hôm thức dậy nhìn vườn cà chua bị nhiễm sương muối chết quá nửa, tôi cảm thấy đau xót vô cùng”- ông Công than thở.
 
Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn! Sau nhiều năm suy nghĩ tìm hướng đi mới, đầu năm 2005, ông quyết định phải chuyển đổi giống cây trồng. Tình cờ phát hiện trong vườn nhà có một loại chuối Laba rất ngon, vừa dẻo, vừa thơm mà cụ thân sinh ông thường gọi là chuối “tiến vua”. Ông Công nảy ra một suy nghĩ táo bạo: “Tại sao không phát triển giống chuối quý này trên chính mảnh đất quê hương mình?”. Từ đó, ông ấp ủ ý tưởng trồng và khôi phục lại cây chuối Laba. Với suy nghĩ ban đầu: “Nếu trồng chuối thì sẽ giảm được nhân công, phù hợp với gia cảnh. Vì loài cây này vốn ít sâu bệnh, lại rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây”- ông Công cho biết thêm.
 
 Ý tưởng đó của ông được một người bạn ủng hộ bằng cách cho mượn 2 ha đất để trồng thử nghiệm. Nghĩ là làm, Nguyễn Văn Công phá bỏ hết 2 ha rau màu trong vườn nhà để bắt đầu trồng chuối. Ngoài ra, ông còn dành nhiều tâm huyết và thời gian đi sưu tầm, học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi. Ông cất công lên tận Viện Sinh học Tây Nguyên để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc và mua giống. Nhưng khi nghe các cán bộ phân tích phải mất ngót 1 năm nuôi cấy mô thì mới nhân ra được nhiều cây con, ông lắc đầu bỏ về. Ông quyết định tìm cách khác. May thay một trung tâm cung cấp cây giống ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: họ đang có sẵn cây chuối Laba trong phòng thí nghiệm. Ông triển khai nhập về ngay và trồng kín diện tích 4 ha. Nhưng ông không biết có một mối đe dọa đang rình rập. Hậu quả đáng tiếc là: Vào cuối năm 2005, vườn chuối hơn 10.000 cây của ông đã bị sâu bệnh chết gần hết trước khi thu hoạch. Nhìn từng gốc chuối lụi tàn khi vừa đậu quả, ông ngậm đắng nuốt tiếc nuối…
 
Thành quả của lòng kiên trì
 
Sau thất bại đầu tiên, Nguyễn Văn Công không nản lòng mà quyết tâm tìm cho ra nguyên nhân sâu bệnh, để khôi phục lại bằng được giống chuối quý của quê hương. Sau nhiều đêm thức trắng suy tính lại từng khâu trong tiến trình, ông phát hiện ra rằng: Chính sự nóng vội, cẩu thả trong khâu chọn giống là một sai lầm đáng trách. Từ phân tích đó, ông biết: Cần phải kiên trì đi tìm từng mầm chuối Laba khỏe mạnh nhất để nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô một cách bài bản.
 
Lặn lội khắp các vườn chuối rải rác trên đồi nương hàng tháng trời, ông Công mới chọn được những mầm cây ưng ý. Sau 1 năm kiên trì chờ đợi để nuôi cấy mô rồi bắt đầu trồng lại, cuối cùng vụ mùa 2007-2008, gia đình ông đã được nếm những quả ngọt đầu tiên. Với sản lượng khoảng 70 tấn/ha gia đình ông thu nhập ngót 1 tỷ đồng/vụ. Được như vậy là nhờ cách trồng bài bản, chuyên nghiệp: Cứ 1ha ông chỉ trồng khoảng 3.000 cây, theo đúng hàng lối và khoảng cách đều đặn, phù hợp với hệ thống tưới tiêu. Khi cây đậu quả, ông cẩn thận trùm bao nilon cho từng buồng một để tránh sâu bệnh và sương muối. Sau khi thu hoạch lứa đầu, ông không giữ cây con lại để ăn lứa thứ 2 mà chặt bỏ hết để trồng đợt mới hoàn toàn. Theo ông Công: “Nếu mình tham lam giữ vườn lại thì đợt thứ hai các cây con sẽ bị nhiễm bệnh nên năng suất rất thấp”. Chính cách làm này mà chuối của gia đình ông Công luôn có đầu ra ổn định.
 
Nhờ cây chuối “tiến vua”, nay gia đình ông Nguyễn Văn Công đã vươn lên là một gia đình khá giả nhất thôn, có nhiều vốn tích lũy. Ông cho biết: Hiện nay ông đang tiến hành một dự án lớn là trồng thêm 30 ha chuối Laba ở Di Linh. Ông đã góp vốn đầu tư cùng với những người bạn để thành lập công ty chuyên sản xuất chuối Laba trên diện rộng.
 

Theo Báo Lâm Đồng

.