Nửa cuối tháng 7 đến tháng 8 hằng năm, mặt hàng khoai tây Đà Lạt trở nên khan hiếm vì Tây Nguyên mưa nhiều. Đây cũng là lúc khoai tây Trung Quốc được nhập ồ ạt về Đà Lạt để “làm áo” (bôi đất đỏ) rồi xuất bán cho thị trường trong nước với “nhãn mác” lập lờ khoai tây Đà Lạt.
 


Theo ông Lê Văn Minh - GĐ Sở NNPTNT Lâm Đồng - ngay cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới, cơ quan chức năng của sở sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm quản lý chặt mặt hàng khoai tây Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Vẫn kiểu “làm áo” quen thuộc


Theo Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt (nơi tập kết chủ yếu khoai tây Trung Quốc về Lâm Đồng), trong vòng một tháng qua đã có khoảng 100 tấn khoai tây Trung Quốc được vận chuyển trực tiếp từ biên giới phía bắc và từ TPHCM lên để “làm áo” bằng cách bôi đất đỏ Đà Lạt rồi sau đó xuất bán cho các thị trường trong nước; trong đó, chính thị trường TPHCM là chủ yếu.


Theo một cán bộ của Sở NNPTNT Lâm Đồng, với mặt hàng khoai tây Trung Quốc được “làm áo”, cơ quan chức năng rất khó xử lý vì đây là hàng có nguồn gốc xuất xứ; việc “làm áo” là chỉ để “cho đẹp” chứ không đủ cơ sở để kết luận đó là sự gian lận thương mại (bởi tư thương không ghi rõ trên bao bì là khoai tây Đà Lạt mà chỉ lập lờ qua mặt người tiêu dùng).


Hiện giá khoai tây Đà Lạt trên dưới 15.000 đồng/kg tại vườn. Trong khi đó, giá khoai tây Trung Quốc được nhập về chỉ với giá khoảng 3.800 đồng/kg; sau đó được bôi đất đỏ Đà Lạt và xuất bán với giá 12.000 - 13.000 đồng. Một thực tế cho thấy, việc “làm áo” tại chợ nông sản Đà Lạt hiện được diễn ra công khai; và theo pháp luật thì không có quy định nào nghiêm cấm việc làm này. “Đây quả là tình huống làm “đau đầu” cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng” - một cán bộ Sở NNPTNT Lâm Đồng nói như vậy.


Mặt khác, ngoài một lô hàng khoai tây Trung Quốc hồi năm ngoái bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép và đã được cơ quan chức năng tiêu hủy thì trong gần một năm qua, mặt hàng này khi về đến Đà Lạt đều có đầy đủ giấy tờ và không bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng.


Tăng cường quản lý


Mới đây nhất, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng) kiểm tra lô hàng 14 tấn của chủ vựa rau Đỗ Thị Mỹ ở chợ nông sản Đà Lạt, cho thấy: Lô hàng này được bà Đỗ Thị Mỹ mua của Công ty TNHH kinh doanh thương mại tổng hợp A&Q (Lạng Sơn) có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và “kết quả phân tích định lượng 4 hoạt chất (Chlorpyrifos, Profenofos, Ethoprofos và Difenoconazole) đều nằm trong giới hạn an toàn”. Và, ngay sau khi được phép lưu hành, lô hàng này đã được “mặc áo” công khai tại chợ nông sản Đà Lạt để đưa đi tiêu thụ ở các nơi.


Trong phiên trả lời chất vấn tại cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng mới đây, Giám đốc Sở NNPTNT Lê Văn Minh khẳng định: Cùng với việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng khoai tây Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, sở và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tiến hành phối hợp với ngành NNPTNT và chính quyền TPHCM (và một số tỉnh khác có tiêu thụ khoai tây Đà Lạt) đề ra các biện pháp phối hợp quản lý và kiểm soát chặt mặt hàng khoai tây Trung Quốc.


Đồng thời, sở cũng sẽ khuyến khích quần chúng phát hiện và thông báo đến cơ quan chức năng kịp thời những cơ sở kinh doanh hàng khoai tây Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời kiểm tra và xử lý.

Cũng cần lưu ý rằng, việc nhập khoai tây Trung Quốc về Lâm Đồng rồi “làm áo” và tung ra thị trường kiểu nhập nhèm giữa khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc đã diễn ra từ nhiều năm qua chứ không phải mới đây; và, trước thực trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng đã không ít lần lên tiếng rằng “sẽ tăng cường các biện pháp” nhằm quản lý chặt mặt hàng này.

 

Theo Lao động

.