Những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm đặc sản truyền thống biếu nhau trong dịp lễ, Tết.

 


Ở Đồng Tháp, 2 loại khô đặc sản được khách hàng săn đón nhiều nhất vào cuối năm là khô cá lóc và khô cá sặc rằn. Những địa phương sản xuất mặt hàng này nhiều nhất là huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Lấp Vò, TX. Hồng Ngự... Tuy nhiên, làng khô có thương hiệu và được đông đảo khách hàng tìm đến trong dịp lễ, Tết là làng khô của xã Phú Thọ, huyện Tam Nông. Hiện tại toàn xã có gần 30 hộ đang ăn nên làm ra với nghề sản xuất cá khô. Với nghề truyền thống này, hằng năm nơi đây tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động của địa phương và góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu trù phú quê nhà.

Những ngày cận Tết, không khí sản xuất tại các làng khô nhộn nhịp hẳn, sản lượng khô thành phẩm mỗi ngày ở từng cơ sở tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Anh Lê Minh Trung, chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Trung Hiếu I ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông chia sẻ: “Vào những tháng gần Tết, cơ sở của tôi phải sản xuất tăng gấp 5 lần ngày bình thường mới có đủ hàng giao cho khách. Khách hàng của chúng tôi ngày thường là những mối lái từ An Giang, Cần Thơ và các huyện lân cận trong tỉnh, tuy nhiên vào dịp Tết, phạm vi khách hàng mở rộng hơn, các công ty hoặc cơ quan nhà nước cũng đến đặt hàng. Từ nay đến Tết, cơ sở tăng sản lượng khô thành phẩm từ 450 - 500 kg/ngày. Mặc dù vậy, nhưng do nhu cầu khách hàng tăng cao, vào những ngày cao điểm, chúng tôi vẫn không đủ hàng để đáp ứng”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, chủ cơ sở khô cá lóc Kim Liên ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ chia sẻ: “Để có miếng khô ngon, phải qua rất nhiều công đoạn như: làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị và đem phơi nắng. Trong đó, khâu ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng của từng cơ sở và đây cũng là bí quyết gia truyền...”. Hầu hết những sản phẩm khô cá lóc ở Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Theo nhiều cơ sở làm khô tại đây, do giá cá nguyên liệu năm nay tăng trung bình từ 5 - 6 ngàn đồng/kg nên giá khô cũng tăng trung bình từ 10 - 15%. Khô cá lóc loại từ 7 - 10 con/kg có giá từ 140 - 200 ngàn/kg, khô cá sặc rằn loại trên 20 con/kg giá 300 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh của các cơ sở thì khoảng 20 tháng Chạp, thị trường khô mới vào giai đọan “nước rút”. Giá khô trên thị trường trong những ngày này cũng tăng mạnh, trung bình mỗi kg tăng từ 20 - 30 ngàn đồng vào giai đoạn cận Tết.

Từ sản phẩm truyền thống, Công ty Cổ phần Tứ Quý ở xã Phú Thọ, Tam Nông đã chắp cánh cho thương hiệu khô của xã Phú Thọ lên tầm cao mới, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm đặc sản quê hương. Chính thức hoạt động vào năm 2013, đến nay các sản phẩm khô sạch của Công ty được đông đảo khách hàng trong cả nước tin dùng. Ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty cho biết: “Toàn bộ hệ thống nhà xưởng, thiết bị, máy móc đều được nhập ngoại phục vụ các công đoạn từ làm cá, rửa sạch, khử mùi, ướp gia vị, sấy đến chiếu xạ tiệt trùng, hút chân không, đóng gói. Công suất của xưởng là 500kg cá tươi cho ra khoảng 140kg cá khô mỗi ngày. Sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa”. Để chuẩn bị nguồn hàng đủ cung cấp vào dịp Tết, hiện công ty đang hoạt động hết công suất. Dự kiến Tết này công ty sẽ cung cấp trên 10 tấn khô thành phẩm cho thị trường.

Ngoài ra, cũng theo ông Bình, xuất phát từ nhu cầu của thị trường về các sản phẩm ăn liền, nếu thực hiện kịp tiến độ, dự kiến trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay công ty sẽ tung ra thị trường sản phẩm khô ăn liền với nhiều mẫu mã và trọng lượng khác nhau. Theo đánh giá, đây là sản phẩm tiềm năng có thể chinh phục được nhiều thành phần khách hàng. Trong giai đoạn tới, công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và nâng sản lượng cho mặt hàng mới, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.