(BVPL) - Từ nhiều thập kỷ qua, Việt Nam luôn là nước có lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, lợi thế này giờ đây sẽ không đủ để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong nền kinh tế toàn cầu. Mới đây, theo báo cáo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong hai thập kỷ tới, sẽ có khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc làm vì robot, đặc biệt là ngành may mặc và sản xuất ô tô.

 


Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng, lĩnh vực dệt may của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải định vị lại. Lợi thế giá rẻ không đủ để duy trì lâu dài. Công nhân cần được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc điện tử.

Hiện, tập đoàn sản xuất giày thể thao hàng đầu thế giới Adidas đang lên kế hoạch sử dụng robot vào hoạt động kinh doanh, nhằm tăng tốc độ sản xuất và cắt giảm chi phí thuê mướn nhân công. Điều này đã đe dọa đến việc làm của hàng triệu lao động tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil. Reuters cho biết, trong tổng số 258 triệu đôi giày được sản xuất hằng năm bởi Adidas, phần lớn được làm tại các nước châu Á, nơi có nhân công giá rẻ.

Điều này sẽ sớm thay đổi khi các robot có chi phí thấp hơn, làm việc nhanh và chính xác hơn sẽ cho phép Adidas đem hoạt động sản xuất, kể cả việc sản xuất các phần lặt vặt của đôi giày, về lại những quốc gia có chi phí nhân công đắt đỏ như quê nhà Đức. Và qua đó, cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian giao hàng, cắt giảm mạnh chi phí vận chuyển. Viễn cảnh được đánh giá là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới.

Kế hoạch robot hóa sản xuất là một phần trong dự án đuổi kịp Nike của Adidas. Theo đó, “nhà máy siêu tốc độ” này sẽ chỉ thuê 160 công nhân. Adidas cũng lên kế hoạch sử dụng robot tại một nhà máy ở Mỹ trong thời gian tới.

Thông thường, để sản xuất một đôi giày Adidas mất khoảng 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng.

Với việc sử dụng robot, Adidas đặt ra mục tiêu cắt giảm công đoạn này còn chỉ 5 giờ, trong đó khách hàng có thể tự thiết kế đơn đặt hàng của mình.

Hiện, người máy đang tỏ ra tốt hơn, rẻ hơn con người ở các phần công việc như lắp ráp. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng hợp tác sản xuất với con người. Như vậy, đến thời điểm này thì nguồn lao động giá rẻ thật sự đã không còn là một lợi thế của Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế

Prime là tên “nhân vật” thủ lĩnh nhóm Autobot trong loạt phim người máy biến hình Transformers. Giờ đây, cũng có một robot với tên tương tự ngoài đời nhưng để phục vụ con người thay vì chiến đấu như trong phim. Nhờ công nghệ có tên LIDAR, Prime có thể nhận biết những gì đang thực hiện.

Thực tế, robot đã xuất hiện ở nhiều nhà máy sản xuất trong nhiều năm qua. Chúng đảm nhiệm các công việc như: lắp ráp các linh kiện, hoàn thiện các công đoạn cuối cùng trong ngành dệt may. Như vậy, viễn cảnh robot dần thay thế con người trong các nhà máy không còn xa. Bởi giá thành các cảm biến thông minh sử dụng cho robot giảm dần, công nghệ ngày càng phát triển. Đó là lúc bộ phận nhỏ như cánh tay hoặc robot hoàn chỉnh càng “gần” con người hơn.

Những robot với công nghệ tiên tiến ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng việc làm của con người trong nhà máy sản xuất. Như vậy, lao động Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận vào thực tế. Hiện chúng ta không thể duy trì mãi lợi thế công nhân giá rẻ hay các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Chúng ta cần phải có chiến lược phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nền sản xuất với công nghệ hiện đại, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, năng động, linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường lao động.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - cho biết: Cục Việc làm đã đề ra hai giải pháp tổng thể nhằm ngăn viễn cảnh robot “giành lấy” việc làm của người lao động Việt Nam.

Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Tiếp theo là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Trước mắt, người lao động cần phải nghiêm túc đánh giá trình độ của bản thân mình, phải vừa học vừa làm để không ngừng nâng cao trình độ năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ, giỏi một nghề, biết nhiều nghề để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc trong thời đại mới. Mỗi lao động rèn luyện kỹ năng để vừa có thể lao động độc lập lại vừa có thể lao động tập thể, thậm chí có thể kết hợp làm việc cùng robot…
 

Hữu Bắc

.