(BVPL)-Đề xuất sáp nhập nhiều sở ngành làm một tại dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang là hy vọng cải cách hành chính và mở ra cơ hội đưa Việt Nam gần hơn với hội nhập kinh tế toàn cầu.
 
 
 
Thực hiện cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước, Bộ Nội Vụ mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP. 
 
Trong dự thảo đề xuất việc sáp nhập một số Sở thuộc UBND tỉnh làm một, bao gồm sáp nhập Sở kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài Chính thành Sở Tài chính – Kế Hoạch; Sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải thành Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị. 
 
Riêng đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sáp nhập thêm Sở Quy hoạch và Kiến trúc (cùng với Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải) thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị.  
 
Tinh giản bộ máy quản lý “chồng chéo”
 
 
 
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến cũng như quy định của pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập các Sở phải phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ cũng như các điều kiện, khả năng thực tế trong hoạt động giải quyết công việc của các Sở. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, điều 9, khoản 3 quy định: 
 
“3. Việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; bảo đảm tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực từ trung ương đến cơ sở; không trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên đặt tại địa bàn.”
 
Cũng theo quy định của Thông tư liên tịch 220/2015/TTLT-BTC-BNV, điều 2, Sở Tài chính phải thực hiện phối hợp và đề xuất lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong nhiều lĩnh vực như sử dụng vốn đầu tư ngắn và dài hạn, quản lý đất đai, quản lý tài chính doanh nghiệp….  Việc sáp nhập các Sở này theo đề xuất của Bộ Nội vụ sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Sở trở nên thống nhất và nhịp nhàng hơn.
 
Một số ý kiến cho rằng cho rằng hợp nhất Sở xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải có thể là một giải pháp để giải quyết bài toán về quy hoạch và hạ tầng. 
 
Đơn cử, một số dự án nhà ở được phép xây dựng phù hợp với quy hoạch nhưng thiếu đi giải pháp đồng bộ về giao thông đã gây ra nhiều bức xúc; các tuyến đường trong 2 – 3 năm đã trở nên đông đúc chật chội gấp nhiều lần so với khoảng thời gian trước khi các dự án được triển khai bởi nguyên nhân gây ra tình trạng này một phần là do việc quản lý hạ tầng thiếu đồng bộ với việc phát triển giao thông đô thị. Chính vì vậy, việc hợp nhất Sở Xây dựng Sở xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý hạ tầng, giao thông đô thị.
 
Bên cạnh việc thống nhất trong giải quyết công việc và quản lý, việc sáp nhập các Sở cũng sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục hành chính được thông suốt và dễ dàng hơn. Điều này có lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung cũng như phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ về cải cách hành chính.
 
Cần mạnh dạn thay đổi
 
 
 
Hợp nhất các Sở trực thuộc quản lý của UBND cấp tỉnh là bước đầu của việc thực hiện tinh gọn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, đi đôi với việc này các thủ tục hành chính cũng như các hướng dẫn áp dụng pháp luật cũng phải được ban hành kịp thời để việc thực hiện cải cách hành chính có hiệu quả. 
 
Cũng chính vì luận điểm này mà trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo, một số bộ chuyên ngành cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của các Sở này là rất lớn, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh đó hoạt động của các cơ quan này đang được vận hành rất tốt nhiều năm. Nếu sáp nhập là không hợp lý. 
 
Tuy nhiên, việc hợp nhất sở ngành đã từng được thực hiện và chứng minh được tính khả thi dù trong quá trình hợp nhất đã có những trở ngại nhất định. Bởi, hiệu quả lớn nhất của việc hợp nhất này là giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm chi tiêu công (Năm 2008: Sáp nhập ban thi đua - khen thưởng và ban tôn giáo vào sở nội vụ; Hợp nhất sở công nghiệp với sở thương mại (có địa phương là sở thương mại - du lịch) thành sở công thương; Hợp nhất sở thể dục thể thao, sở du lịch và sở văn hóa - thông tin thành sở văn hóa - thể thao và du lịch…)
 
Không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước, việc hợp nhất thu gọn các đầu mối có nhiệm vụ tương đương còn mang lại tính tập trung, tăng sự hiệu quả giao tiếp và phục vụ nhân dân.
 
Tại các nước phát triển, thường chỉ có 13-17 bộ quản lý các lĩnh vực (Mỹ có 15 bộ, Nhật Bản có 13 bộ, Singapore có 15 bộ...). Ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore đã chủ trương xây dựng một Singapore với môt hình quản lý kinh tế: chính phủ nhỏ, nền kinh tế mở, các quy định đơn giản, minh bạch và hiệu quả. Chính phủ nhỏ, tinh gọn là một nhân tố quan trọng để Singapore trở thành một mô hình quản lý Nhà nước hiệu quả trong khu vực và trên thế giới. 
 
Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, nếu địa phương không hợp nhất các sở có chức năng gần nhau, trên có bộ nào, dưới có sở đó thì không hợp lý.
 
Chính vì vậy, quyết định của Đảng và nhà nước trong việc tinh giảm gọn nhẹ hệ thống quản lý nhà nước thông qua sáp nhập Sở ngành địa phương  là hoàn toàn sáng suốt để mở ra nhiều cơ hội xây dựng các cơ sở hạ tầng phúc lợi, phát triển kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam đến gần hơn với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
                                                                                                                            Lan Anh
 
.