Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo đó, Bộ này đã chủ trì tổ chức đánh giá tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và xây dựng hồ sơ dự án Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi).

Cơ quan chủ trì xây dựng cho biết, Luật số 69/2014/QH13 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.

Cũng theo cơ quan chủ trì, việc sửa đổi căn bản, toàn diện và ban hành Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Đồng thời, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu). Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đề nghị xây dựng Luật đã đề cập đến 6 chính sách, bao gồm: Chính sách 1: Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách 2: Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách 3: Về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Chính sách 4: Về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chính sách 5: Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Chính sách 6: Về quản trị doanh nghiệp.

P.V