Công nghiệp đóng vai trò đầu tàu
Ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 8 tháng đầu năm 2019 trong điều kiện có những thuận lợi từ kết quả tích cực trong năm 2018. Những tín hiệu vui 8 tháng đầu năm thu ngân sách đạt đạt 9.250 tỉ đồng (bao gồm thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu), Hà Tĩnh đang từng bước tiến gần hơn tới mục tiêu 13.200 tỉ đồng đặt ra. Đây là minh chứng rõ nét cho tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện tính hiệu quả trong công tác điều hành, chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, bám sát cơ sở của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo ông Thắng, đóng vai trò chủ chốt và trụ cột nhất vẫn là ngành công nghiệp. Theo đó chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng khá cao và ổn định với mức tăng chung 31,42% so với cùng kỳ năm trước. Tác động lớn đến chỉ số phát triển sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp vẫn là từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 34,59% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đến 27,09 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Trong đó, hoạt động sản xuất kim loại của dự án Fomosa Hà Tĩnh vẫn duy trì được mức tăng cao so với cùng kỳ (tăng 44,16%). Đây vẫn là dự án hạt nhân đóng góp lớn vào sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng, cũng như bức tranh kinh tế Hà Tĩnh thời gian qua.
Ngoài ra, chỉ số xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh cũng là một trong những yếu tố đóng góp gam màu sáng cho sự phát triển kinh tế trong 8 tháng đầu năm. Theo báo cáo từ Sở Công thương Hà Tĩnh, năm 2019 đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,9 tỉ USD. Đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh đã vượt mốc 2,5 tỉ USD. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống cũng đều giữ được mức tăng trưởng ổn định và cao hơn cùng kỳ năm 2018 như: Thủy sản đạt 3,31 triệu USD, dăm gỗ 18,3 triệu USD, chè 2,61 triệu USD, sợi 4,55 triệu USD…
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,871 tỷ USD, tăng 24,24% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu trực tiếp từ Formosa Hà Tĩnh phục vụ hoạt động sản xuất thép, phôi thép và các phụ phẩm gần 1,6 tỷ USD, chiếm hơn 85,5% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Ưu tiên phát triển xanh và bền vững
Hà Tĩnh là địa phương nằm trong các tỉnh đứng vào tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2018, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc (xếp thứ 23 cả nước), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc (xếp thứ 7 cả nước), Chỉ số CCHC (ParIndex) tăng 4 bậc (xếp thứ 13 cả nước), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) tăng 12 bậc (xếp thứ 4 cả nước). Đến nay, Hà Tĩnh đã có có trên 6.000 doanh nghiệp, gần 6 vạn hộ kinh doanh; đã thu hút được trên 1.300 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 370.000 tỉ đồng tương đương trên 16 tỉ USD; là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 75 dự án FDI tổng vốn đầu tư gần 13 tỉ USD.
|
|
Công nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò chủ chốt và trụ cột vào sự phát triển của Kinh tế Hà Tĩnh. |
Xác định chính sách thu hút đầu tư là động lực thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, Hà Tĩnh phấn đấu thu hút khoảng 150 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi những dự án có khả năng quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II; Tổ hợp Sân gold, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm, dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2, dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ của Tập đoàn T&T...
Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Tập đoàn BCG của Mỹ làm tư vấn. Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nhanh các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực.
Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung đa dạng hóa huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành Khu kinh tế động lực tầm cỡ quốc gia, quốc tế; tập trung thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Năm 2019, trong 8 nhóm ngành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ du lịch trên địa bàn.