Giá 1kg gừng Trung Quốc chỉ 30.000 đồng, nếu mua với số lượng nhiều thì chỉ 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gừng trong nước bán lẻ dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Tại các chợ đầu mối như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn..., gừng Trung Quốc cũng được bày bán công khai. Riêng tại chợ Bình Điền, mỗi ngày có xấp xỉ 400 – 500kg gừng được tiêu thụ. Còn chợ đầu mối Thủ Đức, con số này lên đến 3-5 tấn/ngày.
Tại các chợ đầu mối của Hà Nội, gừng của Trung Quốc cũng được bày bán khá nhiều. Chợ đầu mối Long Biên mỗi ngày có hàng chục xe gừng, hành, tỏi khô đổ hàng. Theo một số chủ hàng, gừng Trung Quốc bán ở chợ Long Biên hiện chỉ 12.000-14.000 đồng/kg, có giảm chút ít so với trước vì có thông tin gừng Trung Quốc có chất độc hại, người buôn đã dè chừng nên cùng với giá thì lượng hàng về mấy ngày nay có giảm. Chị Hòa-một chủ buôn ở chợ Long Biên cho biết: “Mỗi ngày tôi xuất trung bình 3-4 tạ hàng, còn lúc cao điểm có thể lên tới cả tấn các loại hành, tỏi, gừng Trung Quốc”.
Ghi nhận tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cũng cho thấy, gừng Trung Quốc vẫn đang được các tiểu thương bày bán, tuy tốc độ bán lẻ có chậm hơn. Song theo những tiểu thương ở đây, họ chủ yếu bán gừng vào các nhà hàng, khách sạn là chính. Bà Tâm - một chủ ki ốt ở chợ Đồng Xuân tiết lộ: “Nếu gừng của Việt Nam vẫn giữ nguyên đất thì bảo quản cũng chỉ được 1 tháng là hỏng, còn nếu rửa hết đất đi thì chỉ được 15 ngày là thối hết.
Thế nhưng, không hiểu gừng của Trung Quốc dùng thuốc bảo quản gì, rửa sạch đất vẫn để được 3 tháng không thối”. Theo bà Tâm, nếu bán lẻ, mỗi ngày chỉ được vài chục kg là cùng, nhưng nếu “đổ buôn” có khi tới 1 tấn mỗi ngày, vì các nhà hàng họ rất thích gừng Trung Quốc do ít tốn công chế biến.
Dạo qua một số chợ khác như Thành Công, Ngã Tư Sở... chúng tôi cũng đều thấy gừng củ to, bóng đẹp (gừng Trung Quốc) vẫn được bán bình thường, tuy nhiên người bán đều cho biết lượng tiêu thụ đã giảm. Chị Lan - người bán rau củ ở chợ Ngã Tư Sở cho biết, sau khi có thông tin gừng Trung Quốc có độc, các hàng rau cũng chỉ dám buôn ít về bán lẻ, vì người tiêu dùng đã bắt đầu e dè.
Chưa thể tịch thu, tiêu hủy?
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền - nơi đầu tiên thực hiện việc cấm bán gừng Trung Quốc cho biết, ngay khi có thông tin gừng Trung Quốc được bảo quản bằng thuốc trừ sâu cực độc, Ban quản lý chợ đã yêu cầu ngừng kinh doanh mặt hàng này. Số lượng gừng về chợ trong những ngày gần đây đã giảm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP.HCM, kết quả của Cục BVTV cho biết dư lượng aldicarb ở sản phẩm gừng Trung Quốc kiểm nghiệm mới đây chỉ mới vượt mức cho phép, chưa đến mức có độc cấp tính, cần phải loại bỏ.
Hơn nữa, số lượng mẫu phát hiện có dư lượng aldicarb rất ít, chỉ có 1 trong số 50 mẫu đem kiểm tra, nên khả năng tồn tại sản phẩm có aldicarb trên thị trường là không lớn. “Trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện chưa có văn bản nào quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm gừng nhập khẩu, quy định dư lượng aldicarb trong gừng thì càng không. Do đó, chưa có cơ sở để tịch thu, tiêu hủy mặt hàng này của tiểu thương” - ông Tiến phân tích.
Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Hà – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng VII (Lạng Sơn) cho biết: “Từ đầu năm 2013 đến nay, lượng gừng Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lạng Sơn khoảng 400 tấn. Sau khi có thông tin gừng từ nước này nhiễm độc, chúng tôi đã áp dụng kiểm tra chặt hơn và thông báo cho các doanh nghiệp của Việt Nam không nhập khẩu sản phẩm gừng từ tỉnh Sơn Đông, thay vào đó là lấy gừng ở các tỉnh khác”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, qua lấy 50 mẫu gừng Trung Quốc hiện có tại 10 chợ lớn trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, đã phát hiện 1 mẫu gừng lấy tại chợ Bình Điền có dư lượng aldicarb là 0,06ppm, cao hơn so với mức quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (0,02ppm) và gấp 1,2 lần so với mức cho phép của EU và Nhật Bản (0,05ppm).
“Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Cục BVTV đã bổ sung aldicarb vào danh mục các hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm đối với gừng cũng như các loại củ từ nước ngoài nhập vào Việt Nam. Cục cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng II truy xuất nguồn gốc lô hàng gừng có chứa aldicarb, đồng thời chỉ đạo các chi cục kiểm dịch thực vật kiểm soát chặt cửa khẩu cũng như theo dõi phía Trung Quốc xử lý sự cố này như thế nào”- ông Hồng nói.
Theo Thuận Hải - Thanh Xuân
Dân Việt