Liên quan đến hàng loạt cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (viết tắt Công ty Lâm nghiệp Ea Kar) dính vòng lao lý vì “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ngày 2/8 trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Phi Tiến – Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cho biết, hiện nay công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và nợ nần.

leftcenterrightdel
Trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. 

Theo ông Tiến, sau khi nhiều cán bộ bị khởi tố, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực. Hiện nay, toàn Công ty có 34 cán bộ nhân viên, trong khi diện tích rừng Công ty quản lý gần 14.000 ha. Đáng nói, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Điển hình, mới đây, lực lượng của Công ty bắt được một vụ phá rừng giáp địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk nhưng các đối tượng kéo thêm hàng chục người rồi cướp xe đi mất. Hiện vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu báo cáo cho UBND huyện Ea Kar để chỉ đạo Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đối với việc khắc phục diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm, ông Tiến cho hay hiện nay Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, nợ nần với số tiền hơn 15 tỉ đồng (gồm nợ tiền bảo hiểm, thuế, ngân hàng...). Bên cạnh đó, Công ty không có nguồn thu, nguồn dịch vụ môi trường rừng được 1,4 tỉ đồng nhưng không đủ chi trả lương cho công nhân viên.

leftcenterrightdel
Rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý liên tục bị phá trong thời gian dài, nhưng Lãnh đạo Công ty không kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc nên để xảy ra hậu quả rất lớn... 

Trước những khó khăn về tài chính nói trên, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã báo cáo với Sở Tài chính đề nghị bổ sung thêm vốn điều lệ để phục vụ các hoạt động của Công ty. Nhưng hiện nay Sở Tài chính chưa có nguồn để bố trí.

Cũng theo ông Tiến, hiện nay, công tác quản lý bảo vệ rừng của công ty gặp nhiều khó khăn do áp lực di dân quá lớn. Theo đó, cơ quan chức năng đã thu hồi hàng trăm ha đất của Công ty để tái định cư cho hàng trăm hộ dân di cư từ lòng hồ Krông Pắk Thượng sang ở giáp bìa rừng của Công ty quản lý. Chính vì vậy, sẽ không tránh khỏi tình trạng sẽ xâm hại đến rừng.

leftcenterrightdel
Để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình công tác Giám đốc, Phó Giám đốc và nhiều cán bộ, nhân viên Công ty Lâm nghiệp Ea Kar vừa bị VKSND tỉnh Đắk Lắk truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cũng như một số Công ty Lâm nghiệp khác trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều Công ty Lâm nghiệp vẫn còn nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động nên người lao động không chuyên tâm công tác hoặc xin nghỉ việc. Điển hình như tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar từ cuối năm 2019 đến 1/2021 đã có 15 người xin nghỉ việc.

Về việc kiện toàn, bố trí các vị trí còn thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, ông Dũng cho hay, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, xem xét giải quyết theo quy định. Trước đó, UBND tỉnh đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Tiến (công tác tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô) giữ chức vụ Phó Giám đốc điều hành Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.

Như báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, liên quan đến hàng loạt sai phạm của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng truy tố 9 bị can gồm: Nguyễn Hồng Mạnh (nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc); Phan Văn Đức (nguyên Phó Giám đốc); Nguyễn Văn Vũ (Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý bảo vệ rừng); Phạm Văn Kỳ (Trưởng Phân trường 3); Nguyễn Phước Hưng (Nhân viên Phân trường 3); Đào Thanh Hưởng (Trưởng Phân trường 1); Nguyễn Hữu Thọ (Nhân viên Phân trường 1); Lưu Minh Thanh (Nhân viên Phân trường 1) và Nguyễn Văn Tuân (Nhân viên Phân trường 1) tất cả 9 bị can đều bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 BLHS./.

Nguyễn Quân