Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá dịp cuối năm

Theo thống kê, mỗi năm các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10.000 vụ vi phạm, tịch thu khoảng trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Mặc dù đã có những hình phạt thích đáng cho những kẻ buôn thuốc lá lậu nhưng vì cám dỗ từ lợi nhuận lên đến 400% của thuốc lậu nên hoạt động này vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt vào các dịp cuối năm.

Ngày 30/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, thu giữ hơn 6.500 bao thuốc lá lậu.

Trước đó, vào lúc 6h30 ngày 25/12, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện Hoàng Văn Hiếu (SN 1969, trú tại 223 đường Lê Duẩn, TP. Huế) vận chuyển và giao 1490 bao thuốc lá điếu, nhãn hiệu JET, không có hóa đơn chứng từ cho Nguyễn Vũ Thu Thúy (SN 1968, trú tại phường An Hòa, TP. Huế).

Tiến hành kiểm tra tại nhà ở của Nguyễn Vũ Thu Thúy, lực lượng Công an phát hiện và thu giữ thêm 5130 bao thuốc lá điếu các loại như JET, CAPRI, ESSE, HERO, 555… không có hóa đơn, chứng từ chứng mình nguồn gốc, xuất xứ.

leftcenterrightdel
 Thuốc lá lậu xâm nhập vào nước ta bằng nhiều thủ đoạn mới. Ảnh đơn vị cung cấp

Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự Festival Hoa Đà Lạt 2022, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sau nhiều ngày mật phục, các trinh sát của Đội Chống buôn lậu và hàng giả thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện Trương Thị Yến có hành vi giao nhận, buôn bán nhiều lô hàng nghi là thuốc lá nhập lậu.

Tiến hành kiểm tra nơi ở của Yến ở đường Y Dinh, phường 5, TP. Đà Lạt, cơ quan Công an phát hiện và thu giữ 3.400 bao thuốc lá có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ. Bước đầu, Trương Thị Yến khai nhận, toàn bộ số thuốc lá lậu trên được Yến đặt mua từ nhiều nguồn khác nhau qua Facebook, Zalo, sau đó nhập về Đà Lạt để tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch nhưng chưa kịp tẩu tán đã bị bắt quả tang.

Trước đó, ngày 12/8,  Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) phối hợp triệt phá Chuyên án buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu) lớn nhất từ trước đến nay, liên quan đến nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo đó, vào ngày 26/4, Công an quận Ninh Kiều bắt quả tang Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Thị Kim Thu, Nguyễn Minh Tâm (cùng trú tại TP Cần Thơ) có hành vi buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu), thu giữ 17.530 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại cùng nhiều phương tiện, tang vật có liên quan.

Ngày 4/5, cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam 3 bị can trên. Đấu tranh khai thác, Công an quận Ninh Kiều phát hiện Thông cùng đồng bọn liên quan trực tiếp đến đường dây mua bán hàng cấm với quy mô đặc biệt lớn, hoạt động hết sức tinh vi và xảo quyệt, có bố trí phân công nhiệm vụ chặt chẽ, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Do đó, Công an quận Ninh Kiều đã xác lập Chuyên án truy xét để đấu tranh làm rõ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều ngày 11/8, Công an quận Ninh Kiều phối hợp với  VKSND quận Ninh Kiều, Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) tiến hành bắt, khám xét nhà của Cao Việt Hoa và Liên Xuân Bích Châu (cùng ngụ tại Khu phố 5, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Tại hiện trường, lực lượng làm nhiệm vụ thu giữ 3.535 bao thuốc lá ngoại các loại; 3 xe gắn máy, sổ sách, thẻ ngân hàng, phiếu gửi hàng ở các nhà xe... liên quan đến hoạt động mua bán thuốc lá lậu.

Điều tra ban đầu, xác định các đối tượng đã sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để giao dịch mua bán thuốc lá lậu với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Đây là đường dây mua bán hàng cấm là thuốc lá ngoại nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay, liên quan đến nhiều tỉnh, thành bị phát hiện, đấu tranh triệt phá. Công an quận Ninh Kiều đã khởi tố vụ án, khởi bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng; thu giữ tổng cộng 21.065 bao thuốc lá ngoại nhập lậu các loại, 6 xe mô tô là phương tiện sử dụng vận chuyển thuốc lá và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan…

leftcenterrightdel
 Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long và các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 15.000 bao thuốc lá nhập lậu. Ảnh đơn vị cung cấp

Giải pháp ngăn chặn buôn lậu thuốc lá

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước trung bình mỗi năm từ 5.000 - 6.000 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất thuốc lá trong nước, gây tiêu thụ nội địa giảm khoảng 200 triệu bao/năm, tương đương giảm hơn 5.000 tấn nguyên liệu lá thuốc/năm.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng nhưng số vụ buôn lậu thuốc lá được phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

Để ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu thuốc lá, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp đấu tranh, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng liên ngành; tổ chức các diễn đàn, tìm các biện pháp khả thi từ chính sách, quy định của pháp luật cho đến thực thi trên thực tế.

Mới đây, để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ký ban hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh  yêu cầu các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương: Xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…, tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, ngoại tệ,…

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Ảnh đơn vị cung cấp

Đề cập đến giải pháp, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Bộ xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của ngành.

Theo đánh giá, thuốc lá nhập lậu có giá rẻ, đem lại lợi nhuận cao cho đối tượng buôn lậu, thêm vào đó mức sống dân cư ở các địa bàn điểm nóng thấp khiến họ sẵn sàng tham gia vận chuyển. Mặt khác, mặt hàng thuốc lá thường gọn nhẹ, dễ vận chuyển nên hiện nay buôn lậu thuốc lá diễn ra qua đường sông, đường biển, đường bộ và cả đường hàng không. Thuốc lá nhập lậu thường không dán nhãn cảnh báo theo quy định của Việt Nam cũng như chưa có đơn vị nào thẩm định chất lượng, hàm lượng của thuốc lá nhập lậu khiến người dân chưa hiểu và nhận thức đúng đắn về nguy hại của thuốc lá lậu.

Trước tình hình thực tế, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Cùng với đó, Tổng cục Quản lý thị trường có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng.

Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới. Song song với đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.

Cùng với đó, Tổng cục Quản lý thị trường tham mưu với Ban Chỉ đạo 389 và địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài, tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.

Theo các chuyên gia, để góp phần giảm thiểu nạn buôn thuốc lá lậu, sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng có nhiệm vụ chống buôn lậu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường, sẽ góp phần hơn nữa chặn đứng hoặc giảm thiểu tình hình buôn lậu thuốc lá.

Phát biểu tại Hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa kiến nghị, nhà quản lý cần sớm ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp. Theo ông Nghĩa, hiện nay,  thuốc lá thế hệ mới đang được buôn bán bất hợp pháp tại hàng nghìn địa điểm bán lẻ. “Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam cũng đang đề xuất Bộ Công thương sửa đổi Nghị định 67 trình Thủ tướng để thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng, quản lý chặt chẽ… sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường Việt Nam” – ông Nghĩa cho biết.

Theo Khoản 40, Ðiều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi  Ðiều 190, quy định hành vi buôn bán thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm; từ  3.000 bao đến dưới 4.500 bao, thì bị phạt tiền 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù 5-10 năm; 4.500 bao trở lên, thì bị phạt tù 8-15 năm.

Khoản 41, Ðiều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi Ðiều 191, quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao, bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 2-5 năm; 4.500 bao trở lên thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Ngoài ra, tùy theo mức độ và hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu.


PV