Vất vả chân lấm tay bùn, nhưng những nông dân “một nắng hai sương” không thu được thành quả xứng đáng do bị tiểu thương ép giá. Qua tay thương lái nhiều nông sản bị đẩy giá lên từ 5-10 lần khi đến người tiêu dùng.
 
 
Còn chị Nguyễn Thị Lan, 36 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn trồng gần 1 ha mướp đắng do có hợp đồng với thương lái bao tiêu, mức giá bán ra chỉ được 5.000 đồng/kg. “Ngoài chợ và siêu thị họ bán tới 10.000 đồng/kg thấy mà thèm nhưng mình không hưởng được giá đó vì đã ký với thương lái”- chị Lan chia sẻ.
 
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi đêm có hàng trăm tấn rau, củ, quả tập kết về đây. Ngoài thực phẩm “xịn”, các loại rau củ thải loại do để qua ngày hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển được bán lại giá rất “bèo”. Tuy nhiên, khi về chợ truyền thống, số “hàng thải” này cũng bị đẩy giá lên cao.
 
Theo chân một người quen buôn bán rau củ tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình đến lấy hàng ở chợ nông sản Thủ Đức mới thấy việc “mua một bán mười” của các tiểu thương. Mặt hàng khoai tây người này lấy ở chợ Thủ Đức với giá hàng đẹp là 12.000 đồng/kg nhưng khi bán ra ở chợ Phạm Văn Hai có giá 25.000 đồng/kg. Cà chua và bí đao lấy ở chợ Thủ Đức được tính với giá sỉ 8 nghìn đồng/kg nhưng hai mặt hàng này bán ở chợ Phạm Văn Hai đều có giá tới 16.000 đồng/kg.
 
Khi được hỏi vì sao giá các mặt hàng lại cao như vậy, bà Nguyễn Thị Nghĩa, tiểu thương bán rau củ ở đây cho rằng tính giá vậy để trừ hao hụt, giá xăng càng ngày càng lên, tiền xăng xe vận chuyển kể ra tăng thêm một khoản khá lớn. Đó là chưa kể giá điện cũng tăng, trừ phí hao hụt, hàng hoá hư hỏng cũng đâu có lời nhiều?!
 
Không chỉ rau củ bị làm giá, giá thịt, giá gia cầm cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, giá gà trắng công nghiệp bán ra tại các chợ cũng tăng hơn gấp ba so với ở chợ đầu mối Bình Điền. Ông Mạnh Hà, chủ trại gà trắng công nghiệp ở Bình Dương cho biết, ông bán cho các lò mổ giá 22.000 đồng/kg nhưng khi gà này ra chợ đầu mối đã lên 37.000 đồng/kg. Từ chợ đầu mối Bình Điền về chợ lẻ lên 51.000 đồng/kg.
 
Nông dân, người tiêu dùng chịu thiệt
 
Không có lối ra, nhiều người dân chăn nuôi, trồng trọt biết phải chịu cảnh tiểu thương ép giá nhưng đành... bất lực.
 
Chị Trần Thị Hằng, Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II cho biết ở các chợ lẻ người ta thích nói giá thực phẩm bao nhiêu cũng được. “Có lúc hôm nay mua bó rau muống 5.000 đồng nhưng mai ghé mua lại lên 8.000 mà không rõ vì sao”- chị Hằng nói và cho biết do giá cả các loại thực phẩm qua nhiều tầng nấc trung gian, mỗi nơi đẩy lên một chút nên đến tay người tiêu dùng cao chót vót, không ai kiểm soát.
 
Ông Đào Sỹ Long, Phó ban quản lý chợ Tân Định cho biết, việc bán giá cao hơn giá gốc bởi các tiểu thương còn trừ các khoản chi phí khác như xăng xe vận chuyển, giá cước, giá thuê mặt bằng và trường hợp bán không được, thực phẩm hư hỏng phải bù khoản này sang khoản khác. Tuy nhiên, theo ông Long nói như thế không phải là cứ tăng giá thoải mái mà cần thống nhất một mức giá ổn định, không quá chênh lệch với giá gốc tại vườn.
 
“Phía ban quản lý cũng sẽ tăng cường theo dõi chặt chẽ hơn về mức giá cũng như chất lượng sản phẩm để không làm mất quyền lợi của người tiêu dùng”- ông Long nói. Còn theo bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM thì có hiện tượng đẩy giá cao khi hàng hóa ra chợ truyền thống. Tuy nhiên theo bà Lan, giá hàng hóa tại chợ truyền thống được điều tiết theo quy luật cung cầu của thị trường và nếu cố tình làm giá thì sẽ cử đoàn kiểm tra xử lý.
 
Theo Tiền phong
.