Sau khi giá xăng dầu tăng, giá thực phẩm ở Hà Nội vẫn ổn định. Khảo sát tại các chợ như chợ Mơ (tạm), chợ Hôm - Đức Viên, chợ Nguyễn Cao… giá các loại thực phẩm không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ.
 


Theo một số tiểu thương kinh doanh hàng rau củ, mặc dù chi phí tăng nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá vẫn giữ ổn định. Thậm chí, một số loại rau củ còn giảm 1.000-2.000 đồng/kg (hoặc mớ) so với trước đây: Rau dền 4.000 đồng/mớ, rau ngót 5.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ, cà chua 12.000 đồng/kg… Trong khi đó, do nắng nóng và tâm lý lo ngại dịch tai xanh ở lợn tái bùng phát tại nhiều địa phương, nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống của người dân vẫn ở mức thấp. Giá thịt lợn tại các chợ tiếp tục giảm, thịt thăn lợn giá 80.000-85.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg), thịt ba chỉ 72.000-75.000 đồng/kg, thịt nạc vai 72.000-78.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg).

So với thời điểm cuối tháng 5, giá thịt gà cũng giảm 5.000-10.000 đồng/kg. Giá gà ta mổ sẵn tại các chợ dao động ở mức 130.000-140.000 đồng/kg (giảm khoảng 10.000 đồng/kg); giá gà công nghiệp làm sẵn bán với giá 60.000 đồng/kg. Giá trứng gia cầm tại các chợ cũng ổn định: trứng gà ta 33.000 đồng/chục quả; trứng gà công nghiệp giá 23.000 -25.000 đồng/chục; giá trứng vịt: 30.000-35.000 đồng/chục. Các loại cá, tôm, mực cũng giữ giá so với thời điểm chưa tăng giá xăng dầu. Hiện, cá chép loại 1kg/con trở lên có giá 55.000 đồng/kg, cá trôi giá 32.000 đồng/kg, tôm đồng giá 90.000-150.000 đồng/kg, ngao 20.000-22.000 đồng/kg… Mặt hàng gạo không tăng giá do nguồn cung dồi dào, dù chi phí vận tải có tăng do giá xăng tăng nhưng giá gạo bán ra không thay đổi so với những tuần trước.

Theo đại diện của một số siêu thị, đến nay họ chưa nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp, nên giá vẫn chưa có biến động. Tại hệ thống siêu thị Big C, các mặt hàng rau củ quả tươi sống đang giảm giá 30%; mặt hàng thịt cá tươi sống, thực phẩm chế biến giảm giá đến 35%. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá của thành phố, dù hết thời gian thực hiện chương trình, nhưng căn cứ vào tình hình giá cả thị trường có giảm, các doanh nghiệp vẫn bán các mặt hàng bình ổn giá với chất lượng bảo đảm, một số mặt hàng có mức giá thường xuyên giảm so với thị trường. Thực tế cho thấy, tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… nhà phân phối và đơn vị sản xuất luôn thực hiện việc ký kết phân phối các loại thực phẩm ổn định trong một thời gian dài, nếu có phương án điều chỉnh tăng giá phải được thông báo, đàm phán để bảo đảm có lợi ích nhất cho người tiêu dùng. Trong khi đó người tiêu dùng tại chợ, kênh phân phối nhỏ lẻ vẫn phải mua sản phẩm không đúng với giá trị thực.

Nhằm thực hiện kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3744/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác liên ngành thành phố có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến của thị trường, từ đó kịp thời nâng cao chất lượng dự báo giá cả, cung cầu thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhằm kịp thời đánh giá thời điểm xảy ra biến động để có giải pháp cụ thể.
 

Theo Thanh Hiền
Hà Nội Mới

.