Giá rau củ tăng vọt: Nông dân chưa được lợi
Cập nhật lúc 14:57, Thứ sáu, 20/09/2013 (GMT+7)
Liên tục từ đầu tháng 9 tới nay, giá các loại rau củ, thực phẩm trên địa bàn cả nước, từ nông thôn tới thành thị biến động tăng lên. (chợ đầu mối, nông dân, thời tiết, rau cải)
Liên tục từ đầu tháng 9 tới nay, giá các loại rau củ, thực phẩm trên địa bàn cả nước, từ nông thôn tới thành thị biến động tăng lên.
Giá rau củ tại các thành phố lớn, thị trấn, thị xã tăng như vậy, song thực tế người nông dân lại không thu được bao nhiêu từ những biến động giá cả này của thị trường. Chị Trần Bích Thủy (ở xóm Đồng Lan, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang) cho biết, nếu không tự chở rau ra thành phố bán thì trồng rau chỉ có lỗ. "Nhà em có gần 5 sào chuyên trồng rau màu. Thời tiết thuận lợi, mỗi lứa rau gia đình em cũng có thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/sào. Nhưng nay, mỗi sào chỉ còn thu được gần 1 triệu đồng là may"-chị Thủy nói. Theo chị Thủy, mưa nắng thất thường, rau củ chết nhiều nên nông dân đang thiệt hại “kép”: Vừa mất mùa, vừa mất giá. Chưa kể, các loại rau thơm, rau mùi phải mất hơn 1 tháng mới được thu hoạch, nhưng chỉ cần một cơn mưa là thối hết, mất trắng...
Chị Phan Thị Hà – Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng cho biết, với diện tích đất màu khá lớn (vụ đông năm 2013 kế hoạch của huyện là sản xuất 1.800ha rau màu), thuận lợi cho sản xuất rau thì lẽ ra nông dân phải thu lãi lớn nếu giá cả thị trường tăng. Song thực tế đến nay, nông dân đang chịu cảnh giá cả không ổn định do bán buôn tại ruộng phụ thuộc vào giá mua của thương lái.
Ông Trần Văn Mây - đại diện HTX sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện 1kg rau sạch, HTX ông xuất bán chỉ có 20.000 đồng/kg, nhưng khi bán các tiểu thương bán lên tới 40.000-50.000 đồng/kg. “Nông dân trồng rau chỉ biết lấy công làm lãi, nếu thiệt hại về sản xuất, sản lượng giảm coi như làm không công” - ông nói.
Theo ông Trần Quốc Khánh-Trưởng phòng Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội), sản lượng rau, củ mà thành phố sản xuất được chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô. Nhóm hàng này lại bị phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, nên rất khó chủ động về nguồn cung và giá bán cho người dân.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - ông Chu Xuân Kiên cho rằng: “Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần đặt nặng việc đầu tư hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, tưới tiêu, vật tư, phân bón... một cách đồng bộ, và nông dân cần áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất để tránh bị thua lỗ, đảm bảo giá cả thị trường ổn định, tránh biến động mạnh như hiện nay chỉ vì những lý do đơn giản như thời tiết mưa nắng”.
Theo Dân Việt
.