Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất.Cụ thể, nông dân, chủ trang trạiđứng trước sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ.

 


Dù có kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi trang trại và làm công tác quản lý trong ngành nông nghiệp nhưng ông Hà Huy Hiểu, Phó phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cũng hết sức lo ngại cho ngành chăn nuôi khi cánh cửa hội nhập đã rộng mở. Ông Hiểu cho rằng, ngay khi chưa gia nhập TPP, ngành chăn nuôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ. Đó là chưa kể chi phí chăn nuôi hiện đang cao gấp đôi so với các nước. Hiện thức ăn cho gia súc đến tay chủ trang trại phải qua 3 khâu và giá thành bị dội lên hơn 20%. Con giống cũng phải mua của các DN nước ngoài sản xuất. Đây là những thách thức không nhỏ cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới nếu không có các giải pháp, quyết liệt hơn từ cơ quan chức năng trong việc tập trungxây dựng chuỗi giá trị cao, từ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi đến khoa học kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Hiền, chủ một trang trại chăn nuôi heo tại xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) cho biết, giá thành chăn nuôi heo trong nước là 40.000 đồng/kg, trong khi các nước trong khu vực khoảng 23.000 đồng/kg. Mặt khác,một con heo nái sinh sản một lứa từ 10 - 12 con, trong khi tại Mỹ, một lứa heo nái là 20-24 con. Như vậy, năng suất chăn nuôi heo trong nước chỉ bằng 25-30% so với nước ngoài. Điều này khiến giá thành tăng cao, lợi nhuận thấp và khó cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa thị trường. “Tuy nhiên chúng tôi cũng kỳ vọng, khi các điều khoản trong TPP có hiệu lực, các yếu tố đầu vào như thức ăn, thuốc thú y, thuế suất nhập khẩu về 0% thì cũng giúp giảm chi phí sản xuất cho các trang trại”, ông Hiền nói.

Ngành chăn nuôi của nước ta nói chung, BR-VT nói riêngtừ trước đến nay chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu, đầu ra luôn bấp bênh. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ NN-PTNT, sau TPP lượng thịt heo của Mỹ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.Đối với sản phẩm gia cầm, thời gian qua câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ được nhập khẩu vào Việt Nam khiến người nuôi gà lao đao vẫn chưa có giải pháp. Đặc biệt, gà lông trắng ngành chăn nuôi không thể cạnh tranh được, bởi đây là mặt hàng đã được các quốc gia thành viên phát triển từ rất lâu và có thế mạnh hơn hẳn. Ngay cả trong nước thì gà lông trắng vẫn phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 72% thị phần trong nước), các hộ nông dân chỉ chiếm 3% và nhập khẩu là 25%. Ông Nguyễn Hoài Nam, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) lo ngại, khi TPP có hiệu lực, thuế suất các sản phẩm chăn nuôi giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ rõ hơn. Hiện,giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật. Trong các yếu tố trên, người chăn nuôi gà trong nước chỉ có lợi thế ở nhân công giá rẻ, còn các khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.

Tại cuộc họp báo nhằm thông tin việc kết thúc đàm phán TPP được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, với một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh như thịt heo, thịt gà… sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn khi thuế suất về mức 0%. Vì vậy, ngành chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là 357.801 con; tổng đàn gia cầm hơn 3,6 triệu con, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ.Ông Thân Xuân Động, cán bộ phụ trách ngành chăn nuôi Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho rằng, ngành chăn nuôi còn chịu ảnh hưởng do dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, dịch bệnh… khiến cho giá gia súc, gia cầm thường xuyên sụt giảm. Mặt khác, giá đầu vào cao cũng khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Điều này rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trong nước trên thị trường. Đồng thời, ưu tiên phát triển các nguồn giống tốt và rút ngắn thời gian nghiên cứu các ứng dụng khoa học về chăn nuôi, sớm đưa vào sản xuất để góp phần hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho người chăn nuôi khi gia nhập TPP.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.