Gần 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2014, đây cũng là thời điểm nóng nhất trong năm về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Khoảng thời gian này lương thực, thực phẩm được các hộ gia đình tiêu thụ nhiều nhất đặc biệt là các mặt hàng thịt, rau, củ quả, mứt, giò, chả, bánh, kẹo, các loại hạt có dầu (hướng dương, hạt bí…) và rượu các loại.

 


Vì một cái Tết an toàn về thực phẩm, cũng như chấn chỉnh công tác ATTP, TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, từ ngày 25/12/2013 đến Tết, sẽ có 9 đoàn thanh tra liên ngành đi thanh, kiểm tra tại 18 địa phương, từ cấp xã đến cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới. Việc thanh tra, kiểm tra không chỉ với việc sản xuất, kinh doanh mà cả việc nhập lậu thực phẩm. Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp Tết: Rượu bia, bánh kẹo, thịt gia súc gia cầm và sản phẩm thịt, các loại mứt, trong đó, lưu ý cơ sở, sản xuất sản phẩm thủ công… Các đoàn sẽ kiểm tra tại các chợ đầu mối.

Ở góc độ quản lý thị trường, ông Tạ Lưu Bắc - Đội phó Đội 13 QLTT Hà Nội cho rằng, hiện nay lực lượng quản lý mỏng, khó có thể kiểm soát tốt được các vấn đề nảy sinh trong ATTP nhất là tại các điểm chợ tự phát. Ngay trong dịp cao điểm Tết, trên địa bàn Cầu Giấy đã bắt 35 vụ và xử lý 32 vụ với tổng số tiền phạt trên 15 triệu đồng, hàng hóa tịch thu trị giá trên 23 triệu đồng. Đặc biệt, là vụ bắt 510 bao mỳ chính Trung Quốc loại 25kg và 90 bao ô mai Trung Quốc (loại 50 kg), ước tính giá trị khoảng 600 triệu đồng. Đồng thời tiêu hủy 48 chai magie hết hạn sử dụng, 35 chai sốt cà chua, 42 chai dầu hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, 25kg giò chả không đảm bảo chất lượng và một số thực phẩm không an toàn.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, trong năm 2013, việc giám sát ATTP đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành và cho thấy, việc sử dụng hàn the trong các loại đồ ăn như giò, chả, bún, miến… vẫn còn, tuy mức độ phổ biến đã giảm và mức độ sử dụng trong thực phẩm cũng không cao như trước.

Cục ATTP khuyến cáo: người tiêu dùng cần phải đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của mình trong kiểm soát ATTP, bằng việc không sử dụng hàng hóa không nguồn gốc và tẩy chay những nơi bán hàng không đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng chỉ nên sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, nhất là có kiến thức sử dụng thực phẩm thế nào có an toàn. Riêng người sản xuất phải đảm bảo tuyệt đối kiến thức pháp luật về ATTP.
 

Theo Công an nhân dân

.