Ngày 24/5, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm Nguyễn Trọng Hải (SN 1981, trú thị xã An Nhơn, Bình Định), Lê Văn Thiện (SN 1987, trú huyện Hóc Môn, TP HCM), Nguyễn Thị Hải Linh (SN 1992, trú TP Quy Nhơn, Bình Định) cùng về tội “Buôn lậu”.

Theo cáo trạng, Lê Văn Thiện là người thành lập, điều hành hoạt động Công ty Me.tal Việt Nam, Công ty Trung Văn và Công ty Hoàng Tấn Phát. Thiện sử dụng pháp nhân Công ty Metal mua gom đồng phế liệu, nhôm thỏi và thông qua hai Công ty Trung Văn, Công ty Hoàng Tấn Phát ký hợp đồng xuất khẩu hai mặt hàng trên cho các công ty nước ngoài.

Thiện biết rõ thuế suất xuất khẩu đồng là 22%, nhôm thỏi là 15%, theo đó tiền thuế xuất khẩu cho 1 container đồng phế liệu là khoảng 330 triệu đồng, cho 1 container nhôm thỏi là khoảng 81 triệu đồng. Nếu làm thủ tục xuất khẩu chịu thuế như trên thì không có lãi nên bị cáo đã thuê Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thủy Anh làm dịch vụ khai báo hải quan gian dối sang hàng hóa xuất khẩu có thuế suất 0%.

Hải là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Hải (gọi tắt là Công ty Thành Hải, địa chỉ phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định). Công ty của Hải thành lập vào tháng 8/2012 với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, khai thuế hải quan, đại lý tàu biển, cung ứng tàu biển, kiểm đếm hàng hóa, môi giới hàng hải,…

leftcenterrightdel
 Bị cáo Hải, Linh và Thiện (theo thứ tự từ trái qua phải) tại phiên tòa xét xử.

Đầu tháng 5/2018, Hùng, Thủy Anh thuê Hải mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu, trả công dịch vụ 5-7 triệu đồng/ container. Mặc dù biết rõ mục đích trốn thuế của hai công ty trên nhưng Hải vẫn sử dụng pháp nhân Công ty Thành Hải và chỉ đạo nhân viên là Nguyễn Thị Hải Linh tiếp nhận thông tin qua điện thoại hoặc email từ Nguyễn Trọng Hải, Nguyễn Thị Thủy Anh hoặc Đặng Thị Bích Hạnh (nhân viên Công ty Me.tal) thực hiện thủ tục khai báo xuất khẩu từ đồng phế liệu và nhôm thành vải vụn để có thuế suất 0%.

Theo cách thức trên, từ ngày 28/5 đến 20/7/2016,  Công ty Thành Hải đã đăng ký tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng 12 tờ khai xuất 22 containner hàng hóa trị giá hơn 24 tỷ đồng cho công ty Trung Văn và Công ty Hoàng Tấn Phát. Số hàng khai báo là vải vụn và không phải nộp thuế xuất khẩu số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó Hải được hưởng lợi 195 triệu đồng.

Trong ngày 20/7/2016, Công ty Thành Hải mở hai tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, hàng hóa khai báo là vải vụn (thuế xuất khẩu là 0%). Một tờ khai gồm 4 container xuất khẩu cho Công ty Imac Alloy Casting Private Limited tại Ấn Độ, tổng trọng lượng 86.000kg, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tờ khai thứ hai cho 2 container xuất khẩu cho Công ty Thai Metal Impex Co., LTD tại Thái Lan với trọng lượng 43.000kg trị giá hơn 563 tỷ đồng.

Số hàng hóa trên đã được thông quan và đưa vào khu vực giám sát để chờ xuất khẩu.

Tuy nhiên chưa kịp xuất thì ngày 23/7/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng tiến hành khám xét và phát hiện ra những sai phạm liên quan đến hàng hóa trong 6 container trên. Cụ thể, trong 4 container xuất khẩu cho Công ty Imac Alloy Casting Private Limited tại Ấn Độ chứa 98.600kg nhôm hợp kim dạng thỏi, hai container còn lại là 41.130kg đồng phế liệu.

Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã thu giữ  12 vận đơn của 12 lô hàng đều là nhôm hoặc đồng phế liệu, không phải là vải vụn như Công ty Thành Hải khai báo hải quan. 12 vận đơn thông tin thể hiện xuất khẩu 22 container bao gồm 270.380kg nhôm thỏi và 236.965kg đồng phế liệu với tổng trị giá hơn 24 tỷ đồng cho hai Công ty Trung Vân và Công ty Hoàng Tân Phát.

Được biết, từ năm 2014 đến 2016, Lê Văn Thiện còn sử dụng pháp nhân một số công ty khác khai báo hải quan gian dối về chủng loại hàng hóa xuất khẩu để trốn thuế xuất khẩu của 83 container đồng phế liệu và nhôm thỏi trị giá 13,5 triệu USD. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an quyết định tách hành vi buôn lậu 83 container để điều tra, xử lý trong vụ án khác.

Trong vụ án này, Nguyễn Thị Thủy Anh cũng bị khởi tố về tội buôn lậu. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, đến nay chưa bắt được. Cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án và tạm đình chỉ điều tra đối với Thủy Anh, bắt được sẽ xử lý sau.

Nguyễn Mạnh Hùng có dấu hiệu đồng phạm với Thủy Anh, nhưng sau khi vụ án được phát hiện Hùng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cần tiếp tục điều tra làm rõ.

Đặng Thị Bích Hạnh là người được Thiện chỉ đạo liên hệ, cung cấp thông tin về các lô hàng xuất khẩu cho Thủy Anh và Hải Linh. Tuy nhiên do chưa có đủ tài liệu, chứng cứ xác định Hạnh biết việc Công ty Thành Hải khai báo hàng hóa là vải vụn, biết thủ đoạn và mục đích trốn thuế xuất khẩu của Thiện nên chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm.

 Đối với Trần Anh Hiền (Giám đốc Công ty Hoàng Tấn Phát) và Đỗ Tấn Tài (Giám đốc Công ty Trung Văn) đã thực hiện hành vi ký hợp đồng xuất khẩu với các đối tượng nước ngoài và ký thủ tục nhận tiền cho Thiện. Kết quả điều tra chưa có đủ tài liệu, chứng cứ xác thực Hiền và Tài biết thủ đoạn, mục đích trốn thuế xuất khẩu của Lê Văn Thiện nên chưa có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau quá trình xét hỏi, xem xét tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng như trên cơ sở đề xuất của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Thiện 16 năm tù, Nguyễn Trọng Hải 11 năm tù, Nguyễn Thị Hải Linh 5 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.

Mộc lan