Đưa đặc sản trái cây Lái Thiêu vươn xa
Cập nhật lúc 15:06, Thứ sáu, 22/05/2015 (GMT+7)
Chủ đề Lễ hội trái cây Lái Thiêu năm nay là "Lái Thiêu mùa hẹn" hứa hẹn có nhiều điểm mới lạ thu hút du khách, với các chương trình Hội chợ thương mại - du lịch quy mô 150 gian hàng của các doanh nghiệp trưng bày tác phẩm tạo hình nghệ thuật từ hoa quả; liên hoan đờn ca tài tử, cải lương; triển lãm ảnh đẹp về du lịch Bình Dương; giao lưu ẩm thực Nam bộ… Và tâm điểm của lễ hội vẫn là đặc sản trái cây Lái Thiêu. (trái cây, đặc sản)
Chủ đề Lễ hội trái cây Lái Thiêu năm nay là “Lái Thiêu mùa hẹn” hứa hẹn có nhiều điểm mới lạ thu hút du khách, với các chương trình Hội chợ thương mại - du lịch quy mô 150 gian hàng của các doanh nghiệp trưng bày tác phẩm tạo hình nghệ thuật từ hoa quả; liên hoan đờn ca tài tử, cải lương; triển lãm ảnh đẹp về du lịch Bình Dương; giao lưu ẩm thực Nam bộ… Và tâm điểm của lễ hội vẫn là đặc sản trái cây Lái Thiêu.
Tại các phường Bình Nhâm, Hưng Định và xã An Sơn, vườn trái cây cũng đang dần hồi sinh trở lại. Khu du lịch Cầu Ngang (phường Bình Nhâm) mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách tham quan vườn cây ăn trái; ngày cuối tuần số khách từ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh… đến tăng gấp hai, gấp ba lần ngày thường.
Thổ nhuỡng của vùng đất Lái Thiêu vốn màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới. Những năm trước, do ô nhiễm môi trường nên sản lượng, diện tích cây ăn trái ở Lái Thiêu sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, từ năm 2010, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt để từng bước khôi phục lại danh tiếng và lợi ích kinh tế của trái cây Lái Thiêu. Nhờ đó, hệ thống đê bao, kênh mương dài hàng chục km được đầu tư đồng bộ quanh vùng chuyên canh cây ăn trái, trả lại môi trường xanh - sạch cho cây trái phát triển.
Giữ vững thương hiệu trái cây Lái Thiêu
Hiện nay, TX.Thuận An có 1.238 ha cây ăn trái; trong đó măng cụt 661 ha, dâu bòn bon 172 ha, chuối 85 ha, cam quýt 85 ha…; năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha; thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các gia đình kinh doanh theo mô hình quán ăn, café kết hợp với vườn cây ăn trái có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đạt được kết quả này chính là nhờ sự quan tâm đúng lúc, kịp thời của các cấp chính quyền. Cụ thể, Quyết định 45/2012/ QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 đã tạo ra hiệu ứng tích cực với bà con nông dân trồng cây ăn trái. Với việc mỗi hộ nông dân được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha tiền phân bón, 4 triệu đồng/ha cho công tác nạo vét kênh mương, hỗ trợ 100% giống cây trồng mới, 100% kinh phí tập huấn khoa học - kỹ thuật… đã giúp người nông dân giảm nhẹ chi phí, nâng cao mức thu nhập cho vườn cây ăn trái của mình.
Năm 2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ bình chọn măng cụt Lái Thiêu vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam. Cùng với đó, việc đăng ký nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu làm tăng thêm giá trị vườn cây măng cụt, giúp người trồng cây ăn trái ở khu vực Lái Thiêu tin tưởng hướng đến phát triển và xây dựng thương hiệu cho một số loại cây ăn trái đặc sản khác như dâu sim, bưởi ổi, bưởi đường…
Ông Võ Anh Dũng, cán bộ nông nghiệp UBND phường Hưng Định cho biết, là địa phương tổ chức Lễ hội trái cây “Lái Thiêu mùa hẹn” 2015, phường không lo thiếu trái cây đáp ứng nhu cầu thuởng thức của du khách, bởi các vùng chuyên canh ăn quả từ Bình Nhâm, An Thạnh, An Sơn… cho đến tận TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát cũng sẽ đem những cây trái thơm ngon, chất lượng nhất để phục vụ lễ hội.
Để bảo đảm vườn cây phát triển tốt và bền vững, theo ông Trương Công Thạch, Phó trưởng phòng Kinh tế TX.Thuận An, trong thời gian tới thị xã sẽ đẩy mạnh công tác khai thông, nạo vét các công trình thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương để phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng của thị xã. Thị xã cũng sẽ hoàn chỉnh hệ thống cống đập, tổ chức thực hiện tốt việc nạo vét hệ thống kênh rạch trong các khu đê bao khép kín để chủ động tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn, giữ ngọt tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế vườn; đồng thời kết hợp thủy lợi với xây dựng giao thông nông thôn phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản ra thị trường…
Theo Báo Bình Dương
.