Có một nghịch lý là trong mấy năm gần đây, dù nguồn cung phân bón trong nước đã dần được cân đối, đảm bảo, nhất là các loại phân urê, NPK, DAP... song trên thực tế giá phân bón trên thị trường vẫn còn cao.

 

Bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã chỉ ra rằng việc có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất và người bán trong khi phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, nên chất lượng các loại phân bón không được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Từ đó lượng phân bón rởm, kém chất lượng bán tràn ngập thị trường. “Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay thật đáng báo động. Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón kém chất lượng với tỷ lệ rất cao”- bà Liên lo ngại.

Nhiều doanh nghiệp còn nhập khẩu phân bón nhái, kém chất lượng về bán cho nông dân. Năm 2012, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ gần 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng; tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia cho rằng, theo cơ chế thị trường nếu giá phân bón nhập khẩu thấp hơn giá phân bón sản xuất trong nước thì nông dân sẽ dần chuyển sang sử dụng phân bón giá rẻ hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải gia tăng kiểm định chất lượng phân bón ngoại nhập lẫn sản xuất trong nước và công bố thông tin cụ thể ra thị trường để nông dân tránh được tình trạng vì ham rẻ mà mua nhầm phân bón rởm, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng cần sớm tính toán cơ cấu giá thành sản xuất phân bón. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý ban hành chính sách điều tiết phù hợp các nguồn thu từ doanh nghiệp sản xuất phân bón để hình thành quỹ hỗ trợ trực tiếp nông dân. Các hoạt động hỗ trợ nên tập trung vào việc đào tạo, nâng cao kiến thức sản xuất lúa hàng hóa, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, chính sách bình ổn giá lúa hoặc hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội ở nông thôn.
 

Theo Ngọc Minh
Dân Việt

.