Đây là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết tại Lễ công bố báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tình (PCI 2018) diễn ra sang nay.
34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi GCN đủ điều kiện kinh doanh
Ngoài ra, có 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.
|
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước |
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể.
Cùng với đó, các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.
Cũng theo ông Lộc, qua điều tra PCI, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. Cụ thể, có 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh và 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Trong khi đó, chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
Song ông Lộc cũng cho biết, có 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn.
Đáng nói, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn.
Chất lượng điều hành kinh tế cải thiện đáng kể
Về xếp hạng của các tỉnh, kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu VCCI chỉ ra rằng, việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giúp củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp vào cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Kết quả, qua 14 năm cho thấy có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành kinh tế theo thời gian. Năm 2018, tỉnh trung vị có điểm số PCI là 61,76, mức điểm cao nhất kể từ khi bắt đầu dự án PCI đến nay. Điều này cho thấy, xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh cho thấy, khoảng cách giữa tỉnh đứng cuối và tỉnh đứng đầu về cả điểm số PCI và PCI 14 năm qua ngày càng thu hẹp.
|
|
Theo ông Đậu Anh Tuấn, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động |
Đặc biệt, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội khi lần đầu tiên lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, về thay đổi chất lượng điều hành giữa năm 2017 và 2018, Báo cáo PCI 2018 cho thấy, những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ nhất là cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế, tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh.
Tuy nhiên, những lĩnh vực còn lại chưa có sự cải thiện, thậm chí giảm sút so với năm trước. Đó là Tính minh bạch (giảm 0,09 điểm), Đào tạo lao động (giảm 0,11 điểm), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,17 điểm) và Gia nhập thị trường (giảm 0,41 điểm).
Từ những kết quả trên, ông Lộc cho rằng, để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế Việt Nam.