Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây đang được dư luận quan tâm với những điểm mới, thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

 

* PV: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có quy định doanh nghiệp có thể có nhiều đại diện pháp luật, ông đánh giá như thế nào về việc này?

 

- LS. Ngô Việt Bắc:

Với việc doanh nghiệp chỉ có một người đại diện pháp luật như trước đây đã hạn chế phần nào sự linh hoạt trong tổ chức và điều hành doanh nghiệp, như dồn hầu hết quyền vào một cá nhân. Điều này, trong nhiều trường hợp, dẫn đến sai lầm cho đối tác khi ký hợp đồng vì phạm vi quyền của người đại diện pháp luật; hay với trường hợp người đại diện pháp luật thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam thì quy định hiện tại thường tạo ra những phiền hà, gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp.

 

Vì vậy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp có thể quyết định số người đại diện pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, từ đó đã khắc phục và tháo gỡ được những hạn chế như tôi vừa trình bày ở trên.

 

* PV: Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này có điểm: Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Vậy điểm mới này sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp?

 

- LS. Ngô Việt Bắc:

Doanh nghiệp có quyền quyết định hình thức, nội dung, số lượng con dấu của mình theo quy định pháp luật, như vậy sau khi Luật ban hành thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Với quy định mới, doanh nghiệp giảm được rủi ro, chi phí trong thủ tục khởi sự và dễ dàng, thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh.

 

Tuy nhiên, hiện tại việc bỏ con dấu cũng gặp một số trở ngại. Thứ nhất, chữ ký số, chữ ký điện tử hiện chưa phổ biến ở nước ta, việc sử dụng tạo thêm chi phí, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, trong quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước,  yêu cầu đặt ra là hầu như tất cả văn bản, hồ sơ đều phải có con dấu mới có hiệu lực. Thứ ba, giữa doanh nghiệp với nhau, trong nhiều trường hợp cũng cần con dấu, nhất là giao dịch trong nước. Đặc biệt, điều thứ tư tôi xin nhấn mạnh là quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp liên quan đến con dấu (cụ thể như hình dáng, kích thước, cách bố trí con dấu). Nếu doanh nghiệp thiết kế được một con dấu “đẹp, ấn tượng” và sau đó bị doanh nghiệp khác “bắt chước” thiết kế giống, hoặc gần giống, tạo ra sự nhầm lẫn thì đây cũng là một vấn đề các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể hơn khi doanh nghiệp thực hiện quyền này.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Theo Người tiêu dùng

.