Hiện nay, phong trào nuôi cá lóc ở tỉnh Trà Vinh đang phát triển rầm rộ, tập trung nhiều ở huyện Trà Cú. Mặc dù cá chết thành dịch lúc đầu năm nay cho thấy đã có dấu hiệu xuống cấp của môi trường nuôi ở một số nơi, nhưng phong trào nuôi cá lóc vẫn tiếp tục lan rộng khi cây mía vùng này đã không đem lại nguồn lợi nhuận đủ để nuôi sống nông dân.
 


Bỏ trồng mía, nuôi cá lóc

Gia đình ông Tăng Văn Nhường, ấp Vịnh, xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) từ nhiều năm qua sống nhờ vào 5 công (5.000m2) đất trồng mía, nhưng vụ mía vừa rồi, tiền lời từ bán mía đã không đủ trang trải khoản chi tiêu của gia đình ông gồm bốn nhân khẩu trong suốt cả năm. Ông Nhường cho biết đầu năm nay, ông thuê phương tiện đào một ao rộng khoảng 1.000m2 ngay trên nền đất trồng mía để thả nuôi 40.000 con cá lóc giống. Hiện cá lóc của ông nuôi đã hơn bốn tháng tuổi, với mức giá hiện tại, ông nhẩm tính ông sẽ có lãi khoảng vài chục triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng mía. Còn bà Nhan Thị Mười, ở ấp Xa Xi, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, cho biết do bà thấy nhiều người nuôi cá lóc vẫn có lời hơn so với trồng mía, nên bà đã vay ngân hàng 20 triệu đồng và thuê xe đào một ao rộng khoảng 500m2 ngay trong rẫy mía để nuôi cá lóc.

Ông Thái Hoàng Đang, chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh, cho biết phong trào nuôi cá lóc ở địa phương mới phát triển mạnh trong ba năm nay và riêng trong năm nay, diện tích nuôi cá lóc trong xã đã tăng lên khoảng 17ha, gấp đôi so với năm ngoái. Theo ông Đang, nếu nuôi cá lóc, mức lãi có thể đạt 30 – 50 triệu đồng/ao 1.000m2, tuy nhiên, việc tiêu thụ cá lóc hiện còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nên giá cả chưa thật sự ổn định.

Sau vài năm nuôi cá lóc, ông Nhường cho biết: “Nếu nuôi cá lóc trúng giá khoảng hai vụ mới lấy lại được vốn đầu tư ban đầu. Nhưng đầu năm nay, cá lóc nuôi ở các xã Định An, Đại An… (Trà Cú) bị dịch bệnh chết rất nhiều, khiến nhiều hộ mới đầu tư nuôi cá lóc đã bị trắng tay”. Theo ông Nhường, cá chết lan rộng trong vùng nuôi chứng tỏ môi trường nuôi đã bị ô nhiễm. Còn theo ông Thạch Sô Phanh, phó phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Cú, năm 2012, toàn huyện có hơn 100ha mặt nước được nông dân đầu tư nuôi cá lóc, riêng năm nay, diện tích nuôi cá lóc đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần, làm cho số lượng giếng khoan lấy nước cho ao nuôi cũng tăng theo.

Dễ bị thương lái ép giá

Ông Thái Hoàng Đang cho biết do địa phương còn có hơn 11% hộ nghèo, nên nhiều nông dân còn có thói quen là thấy ai làm gì có lãi thì họ bắt chước làm theo, mà không có tính toán kỹ. Theo ông Đang, lãnh đạo xã không có chủ trương cho nông dân bỏ cây mía để chuyển sang nuôi cá lóc trong lúc này, nhưng UBND xã cũng không thể cấm người dân chuyển từ trồng cây mía sang nuôi cá lóc, khi việc nuôi cá lóc lại đem lợi nhuận khá cao so với trồng mía. Ông Đang băn khoăn: “Năm ngoái đã có tình trạng thương lái ép giá mua cá lóc thương phẩm, nên năm nay, chắc chắn tình trạng này sẽ nặng nề hơn, nhất là khi môi trường vùng nuôi đã có hiện tượng bị ô nhiễm, không riêng gì nguồn nước mặt trên các tuyến sông, rạch, mà ngay cả tầng nước ngầm cũng bị đe doạ cạn kiệt do có quá nhiều giếng khoan lấy nước phục vụ nghề nuôi cá lóc”.

Ông Đang nhận định: “Thông thường các mô hình kinh tế dù lớn hay nhỏ, những người nào đầu tư trong thời gian đầu, họ thường luôn đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, sau đó, khi thấy có lãi cao, nhiều người khác đổ xô làm theo, như phong trào nuôi cá lóc hiện nay, thì không sớm thì muộn, họ dễ chuốc lấy thất bại, làm ăn thua lỗ do bị thương lái ép giá, hoặc bị các yếu tố bất lợi khác như: môi trường bị ô nhiễm, vật nuôi bị dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bị ứ đọng…”


Theo Ngọc Tùng
SGTT

.