Vẫn biết là những món đồ chơi bạo lực chẳng hay ho gì, nhưng vì con, cháu vòi vĩnh, mà không ít phụ huynh nhắm mắt chiều theo ý thích của chúng.
Dịp 1-6 năm nay, các cửa hàng đồ chơi lớn nhỏ trên địa bàn thành phố và vùng nông thôn đều đầy ắp những mặt hàng dành cho trẻ em. Với nhiều trẻ em nam, ngoài những thứ đồ chơi như ô-tô, tàu bay lượn, xe thiết giáp, siêu nhân, rô-bốt, hình thú…, các em còn bị hấp dẫn bởi các mặt hàng như súng, kiếm, dao.
Vào một điểm chuyên bán đồ chơi trẻ em, chúng tôi dễ dàng tìm thấy trong các sọt, kệ trưng bày có gậy phát sáng, súng phát nhạc, súng bắn đạn các loại. Ở một cửa hàng khác, để “tránh” sự kiểm tra của cơ quan chức năng, chủ cửa hàng không bày bán công khai, chỉ khi khách hàng hỏi mới lấy ra bán.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng nhỏ, ít gây chú ý thì cứ treo vô tư để trẻ con… dễ thấy. Tại cửa hàng M.N (đầu đường Âu Cơ, chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) rất nhiều người đưa theo trẻ em vào mua đồ chơi. Không chờ người lớn hỏi, nhiều trẻ đã chạy ngay vào khu vực phía trong để chọn mua những thứ chúng thích như súng nhựa ngắn, giá chỉ khoảng 40.000-50.000 đồng/cái, loại dài hơn từ 95.000-120.000 đồng/cái, dao, kiếm, gậy từ 30.000 đồng/cái với đủ màu sắc.
Khu vực chợ tự phát Nam Ô, một số quầy tạp hóa tại nhà dân có bán đồ chơi súng nhựa. Những ngày này, học sinh được nghỉ hè nên các em chơi trò dùng súng bắn giấy hoặc súng bắn nước… bắn vào nhau trông rất nguy hiểm.
Tại khu vực các chợ Hòa Liên, Hòa Phong (huyện Hòa Vang), không ít các tiệm tạp hóa và hàng rong có bán đồ chơi súng nhựa. Một học sinh lớp 5 ở xã Hòa Phong cho biết: “Buổi tối ở khu vực gần nhà có đoàn biểu diễn ca nhạc lô-tô nên có rất nhiều người mang đồ chơi trẻ em đi bán dạo trước cổng. Mấy loại súng nhựa ni các bạn lớp con ai cũng thích, chỉ mấy chục ngàn là có để chơi”.
Được biết, trên thị trường có cả súng bắn tia laser rất có hại cho mắt. Mới đây, một cô giáo của Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên, quận Liên Chiểu tịch thu hai khẩu súng nhựa của hai học sinh lớp 2. Khi bị cô tra hỏi ở đâu ra thì các em cho hay “đây là quà sinh nhật của mẹ tặng”.
Không chỉ có khu vực ngoại thành, các cửa hàng, quầy kinh doanh mặt hàng nhựa và đồ chơi trẻ em ở trung tâm thành phố cũng rộn ràng không kém. Một số cửa hàng trên đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, chợ Cồn, là nơi tập trung nhiều mặt hàng đồ chơi mà trẻ ưa thích, trong đó có súng nhựa. Phải khẳng định rằng, đồ chơi súng nhựa vẫn được người kinh doanh nhập về, nếu thực sự muốn mua, chỉ cần khéo léo, phụ huynh và trẻ em đều có thể mua được các loại súng đồ chơi.
Tuy nhiên, những năm trước, Đà Nẵng hay có đoàn kiểm tra thị trường để xử lý những trường hợp buôn bán các loại đồ chơi gây nguy hiểm cho trẻ em. Vì sợ bị phát hiện xử phạt, các cửa hàng đồ chơi thường kín kẽ hơn khi chỉ bán cho trẻ em, còn người lớn hỏi mua thì nói “không có”. Tại cửa hàng trên đường Hùng Vương, khi có hai học sinh tìm tới hỏi mua đồ chơi súng nhựa, nhân viên nhìn trước, nhìn sau lấy ra mấy cái súng nhựa màu đen dài chừng 60cm với các chi tiết mô phỏng y hệt súng thật như đường ngắm, nắp lắp đạn...
Thực tế, lâu nay các đợt kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường hay Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thành phố rất ít khi phát hiện ra các điểm kinh doanh mặt hàng bạo lực; thế nhưng các em nhỏ ở các khu dân cư vẫn mua được súng để chơi. Điều này cho thấy, những loại đồ chơi dễ gây nguy hiểm và mang tính bạo lực như súng, kiếm, dao tuy bị cấm bán nhưng nhiều cửa hàng vẫn lén lút kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho hay: “Năm nay, thành phố không thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, Chi cục cũng không có đoàn kiểm tra riêng rẽ mặt hàng này. Việc kiểm tra đồ chơi trẻ em là công việc tiến hành song song cùng với những mặt hàng khác vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các đội QLTT địa bàn tăng cường nắm tình hình để kiểm tra và xử lý những điểm đã được phản ánh”.
Theo một số kiểm soát viên QLTT, thời gian qua, các điểm kinh doanh đồ chơi tại Đà Nẵng luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Chẳng hạn như khi có lực lượng kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh đem cất giấu hàng trong nhà, trong kho hoặc không trưng bày hàng hóa công khai. Chính vì thế, QLTT khó bắt quả tang để xử lý mà chỉ bắt các lỗi vi phạm như giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ, tem hợp chuẩn, nhãn mác…
Vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, các loại đồ chơi trẻ em từ các cửa khẩu phía Bắc cung cấp cho thị trường rất đa dạng với nhiều chủng loại, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc (có mặt hàng có chứng từ, nhưng cũng có loại nhập lậu).
Do đó, các lực lượng chức năng ngoài việc kiểm tra, quản lý, xử lý cũng cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh cam kết không buôn bán, tàng trữ các loại đồ chơi bạo lực. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao nhận thức sự tiềm ẩn nguy hiểm từ đồ chơi bị cấm để lựa chọn mua đồ chơi cho con em, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Theo Báo Đà Nẵng