Xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn thực hiện trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sau thời gian đầu tư, sản phẩm xoài của Đồng Tháp bắt đầu cập bến thị trường nước ngoài. Dù vậy, để ngành hàng xoài phát triển bền vững vẫn còn lắm khó khăn...

 

 

Khác với hình thức làm mới sản phẩm xoài của anh Khoa, ông Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương chọn hướng đi sản xuất xoài gắn với du lịch. Vừa qua, vườn xoài của ông Hiền chính thức khai trương phục vụ khách tham quan. “Dù là mô hình mới của huyện nhưng hình thức này lại không xa lạ với du khách. Để thu hút khách tham quan, chúng tôi chú trọng đầu tư xây dựng những điểm nhấn độc đáo. Tại vườn xoài của chúng tôi, ngoài việc hướng dẫn quy trình sản xuất xoài, du khách còn được thưởng thức, mua xoài trực tiếp... Sắp tới, gia đình sẽ mở quầy trưng bày bán sản phẩm chế biến từ xoài như: xoài sấy, dưa xoài, yaourt xoài, rượu xoài... Song song đó, vườn cũng cung cấp các dịch vụ: câu cá, phục vụ các món ăn đặc sản, đờn ca tài tử”, ông Đoàn Thanh Hiền chia sẻ. Nói về hướng đi mới của nhà vườn Đoàn Văn Hiền, bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh cho rằng, mô hình sản xuất xoài gắn với du lịch sẽ là 2 mũi tên song song hướng đến khai thác giá trị kinh tế của địa phương.

 

Và còn những điểm nghẽn

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 dù sản lượng xoài của tỉnh cả năm đạt khoảng 70.000 tấn nhưng lượng xoài để xuất khẩu tươi và chế biến thông qua hình thức liên kết với doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1.000 tấn. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là mô hình giải tỏa áp lực về đầu ra cho nông sản. Người nông dân chỉ cần làm tốt nhiệm vụ sản xuất ra sản phẩm xoài chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, còn khâu thị trường công ty liên kết sẽ đảm nhận.

 

Đa số người nông dân đều nhận thấy mô hình liên kết là hướng đi triển vọng, nhưng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa có tiếng nói chung. Nông dân vẫn cho rằng mình chịu thiệt, bị ép giá khi đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp bán giá hàng trăm nghìn đồng/kg tại các hệ thống siêu thị nhưng thu mua, nông dân với mức giá thấp hơn nhiều.

 

Lý giải về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ nhân buổi nói chuyện với bà con trồng xoài xã Tân Thuận Đông: “Sản phẩm xoài sau khi vận chuyển tỷ lệ hao hụt quá cao, khoảng 30% tổng sản lượng cho lộ trình từ Đồng Tháp đến Hà Nội. Tại đây, các kênh thu mua sẽ lựa chọn những sản phẩm tốt nhất, còn lại thì doanh nghiệp phải bán xô. Bà con muốn lợi nhuận thì doanh nghiệp cũng phải khấu trừ để an toàn. Sự thiếu chia sẻ với nhau đã khiến mọi người chưa tìm được tiếng nói chung trong liên kết”.

 

Hiện nay, không phải chỉ có Đồng Tháp mới có sản phẩm xoài mà Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang cũng sở hữu rất nhiều, hay xứ dừa Bến Tre cũng đang phát triển sản phẩm này. Mở rộng biên độ hơn để thấy không hiếm xoài Thái Lan, xoài Campuchia đã có mặt cạnh tranh với nông sản địa phương. Dễ lý giải sự có mặt của sản phẩm xoài từ nước ngoài là do sản phẩm của họ có giá thành thấp nhờ sử dụng nhiều biện pháp khoa học, kỹ thuật.

 

Một trong những điểm nghẽn nữa của ngành hàng xoài là các HTX, THT hiện vẫn chưa thật sự là địa chỉ tin cậy để mọi người trồng xoài chung tay, tham gia. Chính sự thiếu đoàn kết trong sản xuất, mua bán nên bà con hầu như đều bị thiệt trước “tiểu xảo” làm giá ảo của thương lái. “Việc “mua chung, bán chung” sẽ tạo thành sức mạnh riêng. Bởi thương lái, doanh nghiệp không mua sản phẩm tại HTX, THT thì không có hàng để mua từ chỗ khác. Sự liên kết tạo thành sức mạnh tập thể giúp cho bà con chuyển từ người bị động sang người chủ động trong mua bán” - Bí thư Lê Minh Hoan chia sẻ.

 

Điểm nghẽn đáng kể khác là tình trạng khi doanh nghiệp đến liên kết tiêu thụ thì HTX, THT lại thiếu sản lượng cung ứng. Ngoài việc sản phẩm sản xuất đáp ứng quy trình xuất khẩu sản lượng ít thì chúng ta lại phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Sản lượng xoài đạt thấp vào các tháng 6,8 hàng năm. Tháo gỡ khó khăn về sản lượng cung ứng, thời gian qua ngành nông nghiệp triển khai thực hiện mô hình xử lý ra hoa mùa nghịch. Ưu điểm của mô hình là giá bán cao hơn 10-20% so với thời điểm bình thường, nhưng đổi lại việc xử lý ra hoa mùa nghịch còn điểm hạn chế và chi phí khá cao nên vẫn còn khó khăn.

 

Trên thực tế, một trái xoài được bán tại Nhật có giá trị tương đương 2,5 triệu đồng tiền Việt Nam, trong khi tại quê nhà, sản phẩm xoài bán cao nhất chỉ vài chục nghìn đồng. Đây là sự chênh lệch quá lớn về giá trị sản phẩm làm ra. Hành trình để sản phẩm xoài của Đồng Tháp chinh phục người tiêu dùng, nâng cao giá trị sẽ còn lắm chông gai. Chính sự thay đổi trong tư duy sản xuất; sự bắt tay đoàn kết; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật giảm giá thành... sẽ là những giải pháp để sản phẩm Xoài của Đồng Tháp vươn xa.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.