Thời gian gần đây, sản phẩm trái cây Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà xuất khẩu cũng dần tăng lên, dù chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Trong khi đó, kết quả khảo sát của dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL- mô hình thí điểm tại Tiền Giang, cho thấy chỉ có 2,5% lượng trái cây của nông dân vùng ĐBSCL sản xuất được bán trực tiếp cho nhà xuất khẩu.

 


Tiêu thụ trái cây “ấm” lên

Đánh giá của một số nhà chuyên môn, tại hội nghị: “Tổng kết dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL- mô hình thí điểm tại Tiền Giang” được tổ chức tại Tiền Giang hôm 9-5, cho biết sau những vụ bê bối liên quan đến chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu của trái cây ngoại, người tiêu dùng trong nước đã chuyển hướng, quan tâm nhiều hơn đối với trái cây nội địa.

Và thực tế, từ đầu năm 2013 đến nay, sản phẩm này được tiêu thụ rất mạnh ở thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực các tỉnh miền Trung, miền Bắc và TP.HCM.

Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết không chỉ sức tiêu thụ tăng, giá bán nhiều loại trái cây đặc sản của ĐBSCL như bưởi da xanh; sầu riêng RI 6, cơm vàng hạt lép; vú sữa lò rèn; cam sành; chôm chôm… cũng liên tục cao.

“Chẳng hạn với bưởi da xanh, so với mức giá cao nhất của năm ngoái, hiện tăng hơn 30.000 đồng/kí lô gam, tức đạt mức giá 60.000 – 65.000 đồng/kí lô gam”, ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu rau quả Chánh Thu (Bến Tre), cho biết hiện nhu cầu nhập khẩu trái cây Việt Nam ở các thị trường lớn như các nước liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc… cũng đang tăng cao.

Theo bà Thu, hiện có 80% sản lượng chôm chôm của công ty bà được xuất khẩu sang Trung Quốc, phần còn lại xuất sang Mỹ và EU, tuy nhiên, tình hình xuất khẩu hiện đang “chựng” lại do nguồn cung trong nước khan hiếm.

“Từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều đối tác ở Đức, Nhật…liên hệ qua điện thoại với tôi và họ đặt vấn đề nhập khẩu trái cây, nhưng đâu dám nhận lời vì nguồn cung không có”, ông Hưng cho biết.

Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam- SOFRI), cho biết trong những năm gần đây, dù xuất khẩu trái cây Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng nhưng cũng liên tục phát triển.

“Nếu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam chỉ 185 triệu đô la Mỹ, thì sang năm 2012 đạt đến 360 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay”, ông Lập cho biết.

Chỉ 2,5% trái cây bán cho doanh nghiệp xuất khẩu

Dù tình hình xuất khẩu có chuyển biến tích cực nhưng lượng trái cây được nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chiếm 2,5% trên tổng sản lượng trái cây được sản xuất ra của vùng ĐBSCL (hơn 3 triệu tấn năm 2012).

Theo ông Lập, đây là nguyên nhân khiến thu nhập của nông dân trồng cây ăn trái luôn bấp bênh trong những năm qua.

Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, kiêm Giám đốc dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại ĐBSCL- mô hình thí điểm tại Tiền Giang, cho biết kết quả nghiên cứu của dự án đối với cây thanh long ở Tiền Giang, cho thấy có 90% sản lượng thanh long của nông dân được tiêu thụ qua thương lái; 7% tiêu thụ qua chủ vựa và chỉ 2,5% sản lượng được bán trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Như vậy, qua kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 97,5% sản lượng thanh long của nông dân sản xuất ra được bán qua trung gian.

“Không chỉ riêng với thanh long, chôm chôm hay các loại trái cây khác cũng vậy, tỉ lệ tiêu thụ qua trung gian cũng tương đương con số trên (trên 97%). Nguyên nhân của vấn đề do năng lực đóng gói, năng lực chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp còn rất hạn chế, họ (doanh nghiệp) chỉ lo được cho những phần diện tích họ liên kết với nông dân thôi”, ông Lập của SOFRI cho biết.

Chính việc tiêu thụ sản phẩm qua trung gian lớn nên lợi nhuận đạt được của người nông dân còn thấp. “Càng bán qua trung gian nhiều bao nhiêu thì số tiền nông dân thu được càng ít bấy nhiêu. Số tiền này đi đâu? Dĩ nhiên sẽ vào túi những nhà phân phối, nhà cung cấp trung gian… thôi”, ông Lập cho biết.

Bên cạnh đó, dù việc ký kết hợp đồng mua- bán giữa thương nhân và người nông dân gần đây có tăng lên (kết quả nghiên cứu cho thấy có 55% nông dân khi bán sản phẩm có ký kết hợp đồng) nhưng cũng chỉ là hợp đồng miệng, dựa vào niềm tin lẫn nhau nên việc hủy hợp đồng khi giá tăng-giảm cũng thường xuyên xảy ra.

“Vấn đề ký hợp đồng trong mua- bán của người nông dân dù đã được cải thiện nhưng rõ ràng tính bền vững, ổn định chưa cao, thường xuyên xảy ra tranh chấp mà phần thiệt luôn nghiêng về người nông dân”, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết.


Theo Trung Chánh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn