Thanh long là loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng về diện tích nhanh nhất so với các loại cây ăn trái khác ở ĐBSCL trong hơn 10 năm qua. Một số thông tin cho rằng, điều này có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thừa, đặc biệt khi Trung Quốc- nước nhập khẩu thanh long lớn nhất Việt Nam- đang đẩy mạnh sản xuất, tuy nhiên, điều đó có đáng lo ngại?

 


Tăng 40 lần diện tích hơn 10 năm

Cây thanh long không chỉ nổi tiếng cả nước trong việc dẫn đầu về kim ngạch, khối lượng xuất khẩu trong nhóm cây ăn trái của Việt Nam, mà còn được biết đến bởi tốc độ phát triển về diện tích, chỉ hơn 10 năm diện tích trồng đã tăng 40 lần.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), nếu như năm 2000 diện tích cây thanh long của cả nước chỉ vỏn vẹn 560 héc ta, thì đến năm 2013 đạt trên 24.000 héc ta, tức tăng khoảng 40 lần trong hơn 10 năm qua.

Tại ĐBSCL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Tiền Giang, Long An, cho biết diện tích trồng thanh long tại hai địa phương này trong vài năm gần đây cũng tăng rất mạnh.

Cụ thể, tại Tiền Giang, cách đây khoảng 3 năm, diện tích trồng thanh long chỉ khoảng 1.600 héc ta, thì hiện đã tăng hơn 3.000 héc ta. Tại Long An, diện tích trồng thanh long hiện đạt khoảng 2.100 - 2.200 héc ta.

Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc SOFRI cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, cây thanh long là loại cây có diện tích tăng rất nhanh so với các loại cây ăn trái khác, tăng khoảng 4% /năm, trong khi cây khác chỉ 1-2%/năm và cả nước hiện có hơn 30 tỉnh, thành trồng thanh long”.

Theo ông Lập, cây thanh long phát triển nhanh do: Thứ nhất, đây là loại cây dễ trồng, thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất xấu; Thứ 2, hiệu quả kinh tế cao do giá bán cao; Thứ 3, cây thanh long chỉ cần trồng sau một năm có thể cho thu hoạch, vì nhanh thu hoạch nên người dân ưu tiên trồng.

Có đáng lo ngại?

Việt Nam mở rộng diện tích trồng thanh long, trong khi quốc gia tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang mở rộng diện tích trồng, điều này có đáng lo ngại?

Bà Lê Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP (TP.HCM), cho biết trường hợp bà con nông dân ở Tiền Giang và Long An đẩy mạnh phát triển trồng thanh long là một điều rất nguy hiểm trong tương lai.

Theo bà Anh, thanh long tươi của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, còn những thị trường khác như Nam Mỹ, Châu Âu, Úc…, xuất khẩu có tăng nhưng không nhiều bởi thời gian vận chuyển kéo dài đến một tháng, vì vậy, khi đến nơi chất lượng trái không được bảo đảm.

“Theo tôi, thời gian tới, thanh long tươi xuất khẩu của Việt Nam phát triển không nhiều vì bị đe dọa bởi việc mở rộng diện tích ở 2 tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc”, bà Anh cho biết.

Tuy nhiên, ông Lập của SOFRI khẳng định: “Theo quan điểm của tôi, phát triển diện tích thanh long như thời gian qua là không quá nhanh, có một số người nói mình đang phát triển “nóng” nhưng thực tế đó là do nhu cầu của thị trường”.

Theo ông Lập, việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long là điều hiển nhiên, người ta có nhu cầu về thanh long, phải nhập khẩu, thì phải trồng. “Thực tế, đến bây giờ cụ thể diện tích trồng của họ bao nhiêu mình vẫn chưa nắm được nhưng có thể xấp xỉ của Việt Nam. Dù diện tích trồng của Trung Quốc rất lớn nhưng điều kiện khi hậu của họ không phù hợp, thời tiết lạnh nên không xử lý ra trái được hoặc năng suất thấp; mầm bệnh xảy ra cũng rất nhiều, đó là cái may mắn cho Việt Nam”, ông Lập cho biết

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ mỗi năm nhập khẩu thanh long của Việt Nam tăng 60-70% về giá trị và khối lượng; thị trường Nhật, Hàn Quốc cần rất nhiều, tuy nhiên, do chất lượng, tiêu chuẩn trái của Việt Nam chưa đáp ứng được, chứ không phải thị trường không có nhu cầu.

“Diện tích phát triển như thế là quá tốt, nếu không phát triển sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sang gần 40 nước nhưng với khối lượng chỉ khoảng 600.000 tấn/năm, con số này không quá lớn”, ông Lập một lần nữa khẳng định.

Theo bà Anh, để không phải quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cần phải chuyển xuất khẩu thanh long tươi sang xuất khẩu sấy thăng hoa cấp đông (là hệ thống sấy nhờ tác dụng của bức xạ nhiệt và áp suất thấp nên thực phẩm sau khi bị đông lạnh chuyển sang đông khô) để bảo quản được lâu hơn, dễ dàng bán sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Na Uy, Úc, thậm chí Trung Quốc.

“Thời gian qua mình cũng tìm kiếm, mở rộng thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, cánh cửa dù đã mở nhưng chất lượng chưa đạt, vì vậy, sắp tới cần phải chú trọng nâng cao đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt) để xuất khẩu sang các nước ổn định hơn, khi đó, nếu thị trường Trung Quốc có nhiều biến động, xuất khẩu sang các thị trường này cũng sẽ ổn định hơn”, ông Lập cho biết.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI), nếu như năm 2003 xuất khẩu thanh long của Việt Nam chỉ đạt 5,8 triệu đô la Mỹ, thì đến năm 2010 đạt 59,1 triệu đô la Mỹ và năm 2012 là 181 triệu đô la Mỹ so với tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2012 của Việt Nam là 360 triệu đô la Mỹ. Riêng quí đầu năm 2013, xuất khẩu thanh long đạt 46,5 triệu đô la Mỹ, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77% sản lượng, còn lại là những thị trường khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Na Uy…. chiếm 23%.

Theo Trung Chánh
TBKTSG

.