Người bán hàng nào cũng khẳng định đào, lê mình bán là hàng Việt Nam, hàng Sapa mặc dù mùa đào, lê của Việt Nam đã hết vụ hơn 1 tháng nay.

 

Cần minh bạch thông tin, tránh “lập lờ đánh lận con đen”

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chưa thống kê được số lượng đào lê mà doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa ngõ Lạng Sơn, đồng thời cũng chưa thể khẳng định trái cây Trung Quốc có đảm bảo an toàn, tuy nhiên tất cả các lô hàng nhập về đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu “test” nhanh tại chỗ và đồng thời gửi các mẫu về Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng tại Hà Nội. Kết quả kiểm dịch các mẫu không có hóa chất và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, điều làm người tiêu dùng băn khoăn lo ngại là do trên thị trường tồn tại cùng một loại trái cây song lại có nguồn gốc khác nhau có thể dẫn tới việc khó phân biệt hàng hóa và liệu có được kiểm dịch về an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật. Người bán hàng thường lập lờ nói dối về nguồn gốc trái cây, khẳng định trái cây Trung Quốc là trái cây Việt Nam để dễ bán hàng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2008 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện cam kết kiểm soát nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu giữa hai bên. Theo đó, các loại nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng như nông sản nhập về đều phải dán nhãn bao bì, doanh nghiệp phải có hồ sơ, địa chỉ nguồn hàng nhập khẩu, nơi trồng để khi xảy ra sự cố có thể truy xuất tận gốc. Tuy nhiên, tình trạng tư thương cố tình lập lờ để đánh lừa người tiêu dùng là không thể chấp nhận được, cơ quan chức năng có trách nhiệm cần phải vào cuộc và quản lý tốt hơn. 

 

Theo Vef

.