Vì vậy, mọi phản ánh, ý kiến cũng như đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị phải được các bộ, ngành lắng nghe đầy đủ và giải đáp một cách thấu đáo nhất.
 
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Nguồn: Internet


Đối với những vướng mắc thuộc phạm vi, thẩm quyền trả lời của lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị thì phải trả lời ngay; những vấn đề vượt quá thẩm quyền trả lời phải được ghi nhận, tổng hợp báo cáo Thủ tướng và có câu trả lời cụ thể, công khai trên các cổng thông tin điện tử của bộ, ngành mình; tránh trường hợp một vướng mắc doanh nghiệp phải đề cập nhiều lần tại nhiều hội nghị. 
 
Theo ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trước thềm Hội nghị cho thấy, doanh nghiệp đánh giá tích cực về trọng tâm cải cách của Chính phủ, đặc biệt là về vấn đề hội nhập quốc tế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn 73% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay dù được cải cách vẫn còn quá rườm rà; 64% doanh nghiệp cho biết thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền cũng là điểm vướng mắc lớn. Tiếp đó là sự chồng chéo giữa những cơ quan thực thi của các bộ ngành, tập trung nhiều nhất là thủ tục xuất nhập khẩu. 
 
Do đó, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, giảm chi phí vận tải và phát triển các nhóm ngành kinh tế chủ lực cho nền kinh tế. 
 
Sau Hội nghị đối thoại lần này, Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề khác với các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng nhằm thực hiện cải cách hành chính hiệu quả; đưa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi vào thực chất, mang lại lợi ích thực tế cho doanh nghiệp.

M.H