Một người Nhật viết đơn cảnh báo gửi cơ quan chức năng Việt Nam
Mới đây, người đàn ông có tên Komatsu Seiichi, quốc tịch Nhật Bản (địa chỉ: Nagano-ken, Matsumoto-shi, Takamiyakita 1-15; số Hộ chiếu: TK7860218) đã phải gõ cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và gửi đơn đến cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội, cơ quan thông tấn báo chí tại Việt Nam để trình bày về sự việc ông bị một người Nhật Bản có tên Kitagawa Kemmei (số hộ chiếu TK 2974272, quốc tịch Nhật Bản, đại diện của Công ty Kesan Boueki Co.,Ltd) lợi dụng vào mục đích sang Việt Nam, trong vai nghiệp đoàn Nhật Bản phỏng vấn tuyển dụng TTS Việt Nam, để lấy tiền môi giới từ công ty xuất khẩu lao động Việt Nam.
Trao đổi với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Komatsu Seiichi đưa ra danh thiếp cho biết ông là một luật sư đang làm việc tại Nhật Bản, ông làm những công việc liên quan đến chuyển đổi visa cho người nước ngoài, xin tư cách lưu trú cho TTS kỹ năng người nước ngoài mà nghiệp đoàn quản lý của Nhật Bản tiếp nhận.
Theo lời của ông Komatsu thì ông được ông Hatakeyama (Công ty xây dựng KokuKou Sougou Kennsetsu) giới thiệu ông Kitagawa. Ông Kitagawa vốn dĩ là người Việt Nam nhưng đã chuyển đổi quốc tịch sang quốc tịch Nhật Bản. “Ngày 27/4/2017, ông Hatakeyama nói với tôi rằng: “Luật sư, ngày kia cùng tôi đến Hà Nội của Việt Nam”. Theo lời giải thích của ông Hatakeyama thì mục đích của chuyến đi là để thăm và thị sát Công ty phái cử tại Hà Nội (công ty xuất khẩu lao động tại Việt Nam).
Ngày 29/4/2018, tôi cùng ông Hatakeyama và anh trai ông Hatakeyama, ông Oana - là nhân viên của Công ty ông Hatakeyama và ông Kitagawa đến Việt Nam. Ngày 30/4, chúng tôi đã được đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Nhân lực Thương mại và Du lịch Viwaseen. TMC (Công ty Viwaseen) đón đến Trung tâm đào tạo tiếng Nhật.
|
|
Buổi tuyển dụng lao động tại Công ty Viwaseen ngày 30/4/2018. |
Theo như mục đích ban đầu của tôi đến Hà Nội là chỉ đến để thăm và thị sát Công ty Viwaseen. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy học sinh bắt đầu đứng lên chào hỏi và giới thiệu bản thân. Lúc đó, tôi mới biết đây là một buổi phỏng vấn TTS người Việt Nam. Trong khi đó, người phiên dịch Việt Nam cho tôi biết, tôi được giới thiệu là đại diện của Nghiệp đoàn Kokusai Jigyou Shinkou Kyoudou Kumia, những người còn lại là đại diện của Công ty tuyển dụng Nhật Bản. Thấy điều này là không đúng nên tôi có hỏi lại thì cả người phiên dịch và những người phỏng vấn hôm đó đều nói “không có vấn đề gì”.
Ngày 2/5/2017, chúng tôi từ Hà Nội (Việt Nam) về Nhật Bản, ông Oana đã nói rằng: “Tới đây, tôi sẽ liên hệ với Chủ tịch Oki của Nghiệp đoàn Kokusai Jigyou Shinkou Kyoudou Kumia và sẽ tiến hành thủ tục để đưa 18 TTS đã được chọn trong buổi phỏng vấn sang 3 công ty của Nhật Bản làm công việc về ngành mộc”.
Sau đó, khoảng ngày 21/10/2017, tôi bất ngờ nhận được liên lạc từ đại diện Công ty Viwaseen đề nghị tôi tiến hành các thủ tục để tiếp nhận 18 TTS đã trúng tuyển hôm phỏng vấn và tôi cũng bất ngờ khi nhận được thông tin ông Kitagawa đã nhận của Công ty Viwaseen 5 triệu yên tiền môi giới. Tôi liên lạc với ông Kitagawa thì ông ta thừa nhận không có đơn hàng và không thể làm được hồ sơ cho 18 thực tập sinh vào Nhật Bản.
Sau đó, đại diện Công ty Viwaseen cung cấp cho tôi 03 đơn hàng của 03 công ty tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam mà ông Kitagawa đưa ra gồm: Công ty Goudou Kaisha Firuzu (địa chỉ: Tokyo-to, Minato-ku, Roppongi 3-7-1-2110), Công ty Goudou Kaisa Berushido (địa chỉ: Saitama-ken, Saitama-shi, Urawa-ku, Tokiwa1-2-20), Công ty Kabushiki Kaisha Eigyou Jiken (địa chỉ: Tokyo-to, BunKyo-ku, Sengoku 4-38-16). Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên các trang thông tin doanh nghiệp của Nhật Bản, tôi được biết, mặc dù đây là các công ty có đăng ký kinh doanh nhưng không có đăng ký ngành nghề mộc xây dựng. Cụ thể, Công ty Berushido và Firuzu không thấy ghi chép về ngành nghề và người đại diện, còn Công ty Eigyou Jiken thì có ngành nghề chủ yếu là đại lý quảng cáo.
|
|
Ông Komatsu Seiichi xác nhận 03 công ty có đơn hàng được đưa ra không có ngành nghề Mộc. |
Tiếp tục liên hệ với nghiệp đoàn quản lý Nhật Bản Kuko Saijigyo Shinko Kyobo KuMiai (địa chỉ Kitayama, Chino-shi, Nagano-ken) thì tôi được biết nghiệp đoàn trên không cử bất cứ đại diện nào về phỏng vấn tuyển dụng tại Việt Nam qua Công ty Viwaseen”.
Ông Komatsu nhấn mạnh: “Chúng tôi là những người Nhật Bản làm ăn chân chính, không muốn những người xấu lợi dụng chính sách đưa TTS Việt Nam sang Nhật Bản để trục lợi, lừa các công ty của Việt Nam nên tôi viết đơn để cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp bảo vệ các công ty và người dân Việt Nam”.
Tạo dựng đơn hàng, đưa người sang phỏng vấn để lấy tiền môi giới
Tìm hiểu những thông tin từ ông Komatsu, Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật liên hệ với Công ty Cổ phần Phát triển Nhân lực Thương mại và Du lịch Viwaseen. TMC, (Công ty Viwaseen). Bà Đặng Thị Ngọc, người được giao phụ trách đơn hàng tuyển dụng 18 lao động do ông Kitagawa Kemmei giới thiệu cho biết: “Tôi và ông Kitagawa có nhiều buổi trao đổi và làm việc về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, chương trình tuyển TTS Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.
Ngày 18/4/2017, ông Kitagawa Kemmei có gửi cho Công ty Viwassen bộ hồ sơ bao gồm: Hợp đồng về Chương trình Thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài của Đoàn thể quản lý Nhật Bản Kuko Saijigyo Shinko Kyobo KuMiai (địa chỉ Kitayama, Chino-shi, Nagano-ken) có sẵn chữ ký của đại diện nghiệp đoàn để giám đốc công ty tôi ký. Theo đó, hai bên cam kết về việc đưa TTS Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản. Đồng thời, ông Kitagawa cũng đưa ra đơn hàng của 03 công ty Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển TTS ngành nghề mộc xây dựng, thời hạn làm việc là 3 năm, gồm: Công ty Goudou Kaisha Firuzu, Công ty Goudou Kaisa Berushido, Công ty Kabushiki Kaisha Eigyou Jiken.
Ngày 28/4/2017, đại diện cho Công ty Viwaseen có ký Biên bản thỏa thuận số 01/HĐHT/2017 với ông Kitagawa Kemmei về việc ông Kitagawa sẽ môi giới và tổ chức đưa đại diện của Công ty Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng 18 lao động theo đơn hàng Mộc xây dựng để tiếp nhận và tuyển TTS Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản thông qua Công ty Viwaseen. Hợp đồng làm việc của TTS là 3 năm. Thời gian thi tuyển ngày 30/04/2017, với mức phí môi giới là: 3.000 USD/ 01 thực tập sinh trúng tuyển, chi trả theo 2 đợt. Thời gian dự kiến cho TTS đi là cuối tháng 10/2017.
Để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của đơn hàng trên, Công ty Viwaseen đầu tư chi phí để huy động các kênh tuyển dụng TTS để tuyển đủ 60 ứng viên thi tuyển cho đơn hàng, đồng thời bỏ các chi phí đào tạo cho các ứng cử viên.
Thời điểm ngày 29/4/2017, theo thỏa thuận giữa các bên, ông Kitagawa đã đi cùng đoàn gồm 5 người Nhật Bản sang Việt Nam và đến Công ty Viwaseen để thực hiện việc tuyển dụng TTS vào ngày 30/4/2017. Theo như giới thiệu của ông Kitagawa thì đây là người đại diện của Đoàn thể quản lý Nhật Bản Kuko Saijigyo Shinko Kyobo KuMiai và đại diện của 03 công ty có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh theo giấy tờ mà ông Kitagawa đưa ra.
Sau buổi phỏng vấn ngày 30/4, 18 học viên trúng tuyển theo yêu cầu của đơn hàng do ông Kitagawa môi giới. Ngày 09/5/2017, đại diện Công ty Viwaseen đã giao cho ông Kitagawa Kemmei số tiền môi giới đợt 1 là 36.000 USD (2.000 USD/ người x 18 người trúng tuyển). Hai bên có biên bản giao nhận tiền kèm theo và người làm chứng.
Trong suốt 6 tháng sau, Công ty Viwaseen đã giáo dục định hướng cho 18 TTS trúng tuyển, hoàn tất dịch thuật và làm hồ sơ cho 18 TTS này. Dự kiến thời gian xuất cảnh mà ông Kitagawa Kemmei đưa ra lúc đầu là tháng 10/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, sau nhiều lần đại diện Công ty Viwaseen thúc giục nhắc nhở ông Kitagawa Kemmei về việc cung cấp giấy tờ, thông tin chứng minh cho việc 18 TTS của công ty tôi đủ điều kiện nhập cảnh vào Nhật Bản theo bản thỏa thuận đã ký giữa 2 bên thì ông Kitagawa Kemmei không trả lời.
Lo ngại vì việc các TTS chưa được làm thủ tục để xuất cảnh, tháng 11/2017, đại diện Công ty Viwaseen sang Nhật Bản để tìm gặp và trao đổi với ông Kitagawa Kemmei về việc chậm xuất cảnh của 18 TTS . Khi tìm đến gặp ông Kitagawa Kemmei, ông này thừa nhận việc không thể đưa được 18 TTS sang Nhật Bản. Đồng thời, ông Kitagawa cũng có hành vi không hợp tác trong việc hoàn trả lại tiền môi giới cũng như bồi thường thiệt hại cho Công ty Viwaseen” - đại diện Công ty Vinaseen cho biết.
Theo tìm hiểu của Phóng viên được biết, với việc tạo dựng các đơn hàng và chiêu thức trên, nhiều công ty xuất khẩu lao động và người lao động Việt Nam trở thành nạn nhân cho hành vi này. Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Kỳ 2: Đề xuất ngành nghề mới qua mặt cơ quan chức năng
Trần Tâm