Sáng 30/5, Báo cáo tại phiên họp giao ban công tác UBND TP Hà Nội, tháng 5/2019, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết: Hiện tại, có 63 đơn vị đang cung cấp 135 dịch vụ phần mềm khác nhau cho UBND TP và các sở, ngành. Trong đó, Công ty Nhật Cường chỉ là 1/63 đơn vị cung cấp dịch vụ này.

Tổng số tiền mà TP Hà Nội đã chi trả cho Công ty Nhật Cường để thuê phần mềm trong 3 năm qua là 7,265 tỷ đồng, chiếm 0,49% tổng số chi ngân sách cho công nghệ thông tin của TP.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban 

Ngoài ra, Công ty Nhật Cường còn thực hiện 7 gói thầu mua sắm với tổng kinh phí 12,34 tỷ đồng, chiếm 0,84% kinh phí công nghệ thông tin (chiếm 1,23% kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị công nghệ thông tin).

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Kỳ, TP đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số dịch vụ công; tổ chức duy trì để đảm bảo sự hoạt động bình thường của các hệ thống chương trình phần mềm do Nhật Cường Software đang cung ứng dịch vụ và chạy thử nghiệm.

Ngoài ra, theo ông Kỳ, triển khai Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang mô hình thuê dịch vụ.

Cụ thể như: thuê máy chủ và chỗ đặt của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Thuê máy chủ dự phòng, dự kiến của  của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; tiếp tục sử dụng máy chủ đã được đầu tư ở giai đoạn 2011-2015 để làm Trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng tại Sở TT&TT Hà Nội. Hà Nội cũng thỏa thuận hợp tác với Ban Cơ yếu Chính phủ về bảo mật dữ liệu và an toàn thông tin… cho hệ thống công nghệ thông tin TP.

Liên quan đến việc sử dụng chất Redoxy3C, vừa qua có một số thông tin dư luận phản ánh liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Thanh tra TP chủ trì thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C. Đồng thời yêu cầu, trong thời hạn 45 ngày, Thanh tra TP phải kết luận, công bố công khai trước công luận.

Trước đó, ngày 9/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến công ty Nhật Cường tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, Ipad, phụ kiện các loại... để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy cùng 8 đối tượng về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 221, Bộ luật Hình sự 2015. Khi lệnh bắt tạm giam các bị can này được ban hành thì Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ trước đó. Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với đối tượng này.

Bùi Quang Huy bị cáo buộc cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu; nhập lậu nhiều thiết bị điện tử sau khi móc nối với một số nhà sản xuất ở nước ngoài.

Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Hệ thống có 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, một trung tâm bảo hành và một trung tâm ERP tại TP Hòa Chí Minh.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Nhật Cường có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, Tổng giám đốc là Bùi Quang Huy cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) - đối tác triển khai nhiều dịch vụ công của Hà Nội.

Nhật Minh