Cụ thể, tổng số tiền phạt mà Công ty cổ phần DRH Holdings phải nộp là 790 triệu đồng. Số tiền xử phạt này áp dụng cho các lỗi như: Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật; Công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật;

Không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất; Vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; Sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Trong đó, phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật, quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) (Công ty không công bố thông tin (CBTT) trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HSX), hệ thống CBTT của UBCKNN và trang thông tin điện tử của Công ty.

leftcenterrightdel
  Công ty cổ phần DRH Holdings (Địa chỉ trụ sở chính 67 Hàm Nghi, phường Sài Gòn, TP HCM) bị xử phạt 790 triệu đồng.

Phạt tiền 60 triệu đồng đối với hành vi CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, Công ty không ghi nhận đầy đủ số lượng cuộc họp HĐQT năm 2022 (HĐQT tổ chức 16 cuộc họp HĐQT (16 biên bản họp), trong đó có 14 cuộc họp có ban hành Nghị quyết HĐQT.

Tuy nhiên Báo cáo tình hình QTCT ghi nhận có 11 cuộc họp HĐQT); không ghi nhận Nghị quyết HĐQT số 14/2022/DRH/NQ-HĐQT ngày 25/4/2022 thông qua góp vốn bổ sung vào Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn).

Phạt tiền 350 triệu đồng đối với hành vi Không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất, quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này, quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Phạt tiền 162,5 triệu đồng đối với hành vi Sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Theo đó cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty cổ phần DRH Holdings thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thông qua ĐHĐCĐ gần nhất về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng đối với hành vi không báo cáo việc thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng tại ĐHĐCĐ gần nhất theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi Sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán.

Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu, theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 8 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm e khoản 7 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và những nội dung trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 51 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 42 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP và điểm b khoản 4 Điều 51 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP./.

Xuân Trường